Thứ sáu, 01/11/2024 | 22:33 GMT+7
Theo dự báo của Viện Năng lượng Việt Nam, từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ bị thiếu hụt năng lượng trầm trọng. Vì thế, bạn nên tiết kiệm năng lượng ngay từ bây giờ.
• Trung bình một chiếc tủ lạnh tiêu thụ khoảng 680kWh mỗi năm. Mức tiêu thụ điện năng của các mẫu tủ lạnh mới thường ít hơn 60% so với tủ lạnh đã 20 tuổi. Vì vậy, khi tủ lạnh đã cũ, bạn hãy nghĩ đến việc thay mới.
• Chọn nồi hay chảo không quá nhỏ hoặc quá lớn so với bếp và lượng thức ăn cần nấu để tiết kiệm năng lượng. Trường hợp nồi, chảo bị biến dạng, ảnh hưởng đến việc tiếp xúc nhiệt, bạn cũng nên thay sớm.
• Bạn cần rã đông hoàn toàn thực phẩm trước khi nấu. Nếu chưa rã đông hết, bạn sẽ mất nhiều thời gian để đun sôi và làm chín nó dẫn đến tiêu tốn nguồn năng lượng.
• Nấu nướng khi gần đến giờ ăn để không mất năng lượng trong việc ủ nóng cơm và làm nóng lại thức ăn. Luôn đậy nắp nồi khi nấu để giữ nhiệt và tiết kiệm năng lượng.
Rác thải trong nhà bếp như rau già, vỏ trứng, vỏ tôm, vỏ chuối, hoa quả hư hỏng, xương gà, xương lợn… đều có chứa nguồn dinh dưỡng rất cần thiết cho các loại cây trồng. Những loại rác này chứa nhiều kali và canxi nên hoàn toàn có thể chế thành phân bón hữu cơ rất tốt. Bạn có thể cắt nhỏ các loại vỏ cây, rau thừa rồi vùi vào đất cạnh gốc cây hoặc xay nhuyễn rồi hòa với nước, tưới vào đất bổ sung dinh dưỡng cho cây khi chúng ra hoa và quả. Các loại xương có thể nung lên và xay mịn sau đó đem bón sẽ giúp cung cấp nguồn canxi rất lớn cho cây.
Ở Mỹ, trung bình hàng năm mỗi người sử dụng khoảng 22,7kg khăn giấy. Do chúng tiện lợi nên rất nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, để có 45,3kg giấy, người ta phải chặt đi một cây xanh. Cho nên hãy thay đổi thói quen dùng khăn giấy để lau bát đũa, tay hay miệng. Với việc làm này, bạn sẽ duy trì sự sống cho nhiều cây xanh, tiết kiệm nước và năng lượng trong việc sản xuất khăn giấy. Bạn có thể dùng khăn vải thay thế khăn giấy, giặt sạch, phơi khô sau mỗi lần sử dụng.
Hạn chế dùng hóa chất tẩy rửa
Các nhà khoa học tại Đại học bang Michigan, Mỹ, khuyên bạn nên dùng giấm, chanh, baking soda để làm sạch vật dụng trong nhà thay cho các hóa chất tẩy rửa thông thường.
• Nồi, chảo có lớp chống dính teflon không bền, dễ trầy xước. Khi đun nóng teflon dễ bong ra có thể dính vào thức ăn gây hại cho sức khỏe. Để tránh điều này, bạn không nên dùng nồi, chảo chống dính bị trầy xước hoặc thay bằng nồi inox hoặc gang.
• Mỗi năm trên thế giới sử dụng 500–1.000 tỷ túi ni-lông, gây hại không ít cho môi trường. Vì thế, bạn hãy sử dụng túi vải để thay thế cho túi ni-lông.
• Vật dụng nhà bếp bằng nhựa có thể không tốt cho sức khỏe khi sử dụng thời gian dài, nên bạn có thể thay bằng các vật dụng silicone, vì chúng dễ sử dụng, an toàn, bền và tiện lợi.
Các loại rau quả hiện nay có thể chứa nhiều thuốc trừ sâu. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, thuốc trừ sâu có thể gây hại cho người, động vật và môi trường. Việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể khiến trẻ trở nên hiếu động, rối loạn chú ý. Vì thế, bạn nên mua rau quả tại các quầy rau ở siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh. Ngoài ra, bạn có thể trồng rau sạch tại nhà bằng khay xốp hoặc dùng hệ thống trồng rau.
Theo Tiếp Thị Gia Đình