Thứ bảy, 02/11/2024 | 13:25 GMT+7
Các nhà máy hiện nay thường sử dụng hệ thống khí nén cho nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng. Vì vậy, rất cần các biện pháp để tăng cường tiết kiệm năng lượng cho hệ thống này. Dưới đây là 10 chỉ dẫn khá hữu hiệu cho các DN
Xác định rõ các khâu cần sử dụng hệ thống khí nén
Trong một nhà máy, hệ thống khí nén thường được dùng trong các hoạt động tạo khí nén, chuẩn bị, phân phối và ứng dụng sử dụng khí nén trong nhiều loại máy móc khác nhau. DN cần xác định rõ vị trí của hệ thống khí nén, cũng như những chỗ có thể tiến hành cải thiện hiệu quả năng lượng và phát thải khí các-bon. Việc kết hợp kiểm toán với các đơn vị độc lập từ bên ngoài cũng là một gợi ý để có được cái nhìn tổng quát và toàn diện hơn về hệ thống này.
Hạn chế sự hạ áp đột ngột
Đây là một trong những biện pháp mà nhân viên nhà máy có thể thực hiện được ngay, để nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng. Các nghiên cứu cho thấy, áp suất khí nén bị giảm khi chúng được dẫn qua các khớp nối vuông góc trên đường ống dây chuyền sản xuất.
Nhằm khắc phục nhược điểm này, các nhà sản xuất có thể thay thế bằng các khớp nối có dạng chữ Y. Một số thử nghiệm loại khớp nối này trên các ứng dụng như dây chuyền sản xuất phụ tùng ô tô, các bộ phận của động cơ ô tô, dây chuyền đóng gói trong công nghiệp thực phẩm (bao gồm cả khâu định hình, đổ khuôn và đóng gói),... đã cho kết quả tốt với mức tiết kiệm năng lượng trung bình đạt khoảng 6%.
Giảm áp lực cho máy móc
Nhân viên bảo trì có thể làm giảm áp suất không khí trên máy móc ở những mức độ khác nhau trong quá trình sản xuất. Việc giảm áp suất từ 6 xuống còn 5 trên hầu hết các loại máy móc hoàn toàn không làm giảm năng suất máy như nhiều người vẫn nghĩ. Ngược lại, điều này góp phần giảm thiểu đáng kể tiêu thụ năng lượng.
Mức tiết kiệm năng lượng trung bình cho việc giảm áp suất đạt khoảng 15%. Trong trường hợp một thiết bị cụ thể nào đó đòi hỏi áp suất cao hơn so với toàn hệ thống, DN có thể sử dụng bộ tăng áp riêng cho thiết bị này, thay vì phải tăng áp suất cho toàn bộ hệ thống.
Giảm thiểu sự rò rỉ năng lượng
DN có thể mua một số thiết bị phát hiện âm thanh được thiết kế đặc biệt để tìm ra những vị trí gây rò rỉ năng lượng. Bằng cách đeo tai nghe và đi kiểm tra vòng quanh hệ thống máy, đường ống phân phối hay các điểm giao nhau, nhân viên kỹ thuật có thể dễ dàng nhận ra những khu vực rò rỉ năng lượng. Sau đó, cần lấp kín các vị trí này để đem lại hiệu quả năng lượng lên tới 12% cho toàn bộ hệ thống.
Tắt nguồn điện
Nếu không có kế hoạch chạy thêm ca, hãy tắt hệ thống khí nén. Chỉ dẫn đơn giản này góp phần tiết kiệm thêm 8% năng lượng cho nhà máy.
Tích hợp mạch tiết kiệm không khí
Quá trình tạo chân không thường tiêu tốn khá nhiều năng lượng trong hệ thống khí nén. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả năng lượng trong các ứng dụng này, hãy tích hợp thêm mạch tiết kiệm không khí tại những vị trí thích hợp.
Những mạch này có chức năng giảm thiểu khí áp ngay khi môi trường chân không được tạo ra. Điều này sẽ giúp DN tiết kiệm 13-14% năng lượng. Ngoài ra, DN có thể thay thế máy bơm chân không hiệu quả thấp bằng những máy bơm chân không thế hệ mới cho hiệu quả năng lượng cao hơn.
Tối ưu hoá hệ thống ống
Ngoài những biện pháp thường thấy như thay ống dài bằng ống ngắn, ống có thành dày sang ống có thành mỏng, loại bỏ các kết nối ống không cần thiết, DN cũng có thể cân nhắc đến việc thay thế các đường ống bịt kín bằng các đường ống có ren.
Một cải tiến khác khá thịnh hành trong vài năm trở lại đây là việc sử dụng van cụm. Các van được đặt gần cơ cấu truyền động hơn và rút ngắn chiều dài ống. Những thay thế này có thể đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng từ 1 đến 32%.
Lắp đặt thêm bộ cảm biến
Việc gắn thêm bộ cảm biến vào các máy móc và quy trình tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ giúp nhân viên nhà máy nắm bắt được bất cứ sự thay đổi nào xảy ra, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Ví dụ, những bộ lọc bị bẩn, cặn thường thường có lưu lượng thấp hơn và áp suất giảm mạnh. Nhờ có bộ cảm biến, nhân viên sẽ nhanh chóng phát hiện ra và tiến hành làm sạch hay thay thế chúng.
Hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc
Việc tiến hành hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc có thể tốn kém hơn so với việc mua các thiết bị có sẵn ngoài thị trường. Song hiệu quả mang lại là các nhà máy sẽ có được những thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp nhất với nhu cầu của mình với hiệu quả năng lượng có thể lên đến 40%.
Thống nhất công tác tiết kiệm năng lượng trong tổ chức
Công tác tiết kiệm năng lượng cần được tiến hành quy mô toàn bộ tổ chức nhà máy. Trong đó, ban điều hành cấp cao phải đưa ra được những chính sách về hiệu quả năng lượng và đi đầu trong việc thực hiện. Ngoài ra, chính sách cũng cần phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, điển hình là ISO 50001.
Trường Duy (Theo Plant Engineering)