Thứ bảy, 02/11/2024 | 15:37 GMT+7

Tiết kiệm điện với điều hòa nhiệt độ

27/02/2015

Vào mùa nóng, trong gia đình sử dụng điều hòa, máy điều hòa nhiệt độ có thể tiêu thụ tới hơn 30% điện năng.

Điều hòa nhiệt độ là một trong những thiết bị tiêu thụ điện lớn nhất trong gia đình. Vào mùa nóng, trong gia đình sử dụng điều hòa, máy điều hòa nhiệt độ có thể tiêu thụ tới hơn 30% điện năng. Chính vì vậy việc sử dụng điều hòa nhiệt độ hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ và tiền điện phải chi trả hàng tháng.

Lựa chọn máy điều hòa nhiệt độ:

Có 4 loại máy điều hòa nhiệt độ phổ biến thường sử dụng cho hộ gia đình:

Loại cửa sổ (1 cục): có cấu tạo một khối máy duy nhất. Để gắn máy này chỉ cần tạo một khung cửa sổ trên tường khi gắn máy, để bề mặt (giàn lạnh) quay vào trong phòng.

Loại 2 cục treo tường: cục nóng lắp bên ngoài nhà và cục lạnh gắn trên tường trong nhà. Loại này thích hợp với nhà có không gian thoáng (hành lang, ban công) để đặt cục nóng.

Loại 2 cục âm trần: cấu tạo giống như loại 2 cục treo tường nhưng cục lạnh lắp âm trần. Loại này thích hợp với các nhà biệt thự hoặc chung cư cao cấp có kết cấu trần 2 lớp.

Loại 2 cục đặt đứng: là loại 2 cục với cục lạnh có kích thước lớn đặt đứng trên sàn nhà. Loại này thường có công suất lớn và chỉ thích hợp với các phòng có diện tích trên 45 m2.

Ngoài ra, một thông số quan trọng khi lựa chọn máy điều hòa hòa nhiệt độ là công suất lạnh của máy, tính bằng đơn vị BTU/giờ.

Bảng sau đây đưa ra hướng dẫn lựa chọn công suất máy theo diện tích phòng cần điều hòa:

Hiện nay, trên thị trường đã có các loại điều hòa nhiệt độ sử dụng biến tần (inverter), các loại máy này thường có giá thành cao hơn các máy không dùng biến tần có cùng công suất. Tuy nhiên máy điều hòa nhiệt độ sử dụng biến tần có thể tiết kiệm 5% điện tiêu thụ và đảm bảo duy trì nhiệt độ trong phòng điều hòa ổn định, nâng cao chất lượng điều hòa không khí.

 Lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ:

Thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất;

Đối với máy điều hòa 2 cục thì khoảng cách giữa 2 cục không nên quá 15 mét;

Đường ống lạnh phải được bảo ôn đúng kỹ thuật bằng vật liệu bảo ôn tốt;

Không gắn cục lạnh trong các góc khuất (làm giảm khả năng đối lưu không khí), cục lạnh treo tường nên gắn ở độ cao từ 2,5 đến 3,5 mét;

Khi nhà có nhiều máy điều hòa thì cần bố trí các cục nóng hợp lý, không đặt các cục nóng quá gần nhau hoặc thổi gió nóng vào nhau làm giảm khả năng giải nhiệt;

Đặt cục nóng tại vị trí thoáng mát, không bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu cần thiết thì có thể lắp thêm mái che nắng cho cục nóng;

Không đặt cục nóng ở nơi có gió to vì sẽ ảnh hướng đến hoạt động của quạt;

Không đặt cục nóng ở gần mặt đất hoặc những chỗ có nhiều bụi.

Sử dụng và bảo dưỡng máy điều hòa nhiệt độ:

Cài đặt nhiệt độ hợp lý: Cài đặt nhiệt độ máy điều hòa tùy thuộc vào nhiệt độ bên ngoài như sau:

Theo tính toán, tăng thêm 1oC nhiệt độ cài đặt sẽ giúp tiết kiệm 3% điện năng tiêu thụ;

Chỉ sử dụng chế độ làm mát nhanh (turbo) hoặc đặt chế độ quạt mạnh nhất trong khoảng 3 phút đầu tiên sau khi bật điều hòa. Sau đó cần chuyển về chế độ bình thường với tốc độ quạt vừa phải;

Bật chế độ điều chỉnh gió đa hướng (swing) hoặc có thể sử dụng kết hợp với quạt (nếu cần thiết) để tăng khả năng luân chuyển không khí trong phòng điều hòa;

Không sử dụng quạt thông gió có công suất lớn hơn 25 W cho phòng sử dụng điều hòa;

Đóng kín các cửa phòng sử dụng điều hòa và hạn chế ra vào phòng;Đóng cửa chớp hoặc dùng rèm che ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng;

Hạn chế sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bàn là, bếp, bình đun nước trong phòng;

Vệ sinh các tấm lưới lọc bụi thường xuyên nếu dùng nhiều và các giàn trao đổi nhiệt ít nhất 2 lần/năm và bảo dưỡng máy ít nhất 1 lần/năm;

Liên hệ với các cơ sở dịch vụ điện lạnh để kiểm tra khi phát hiện các dấu hiệu bất thường (máy kêu to, không có hơi lạnh, tự động bật hoặc tắt…) để kiểm tra và sửa chữa, bảo trì.

Minh Trang