Thứ tư, 24/04/2024 | 22:10 GMT+7

Pin năng lượng mặt trời cho tàu cá

12/04/2014

Thiết bị ứng dụng năng lượng mặt trời cho tàu cá đánh bắt xa bờ, là một công nghệ mới do Trung tâm Phát triển năng lượng nghiên cứu xây dựng

Thiết bị ứng dụng năng lượng mặt trời cho tàu cá đánh bắt xa bờ, là một công nghệ mới do Trung tâm Phát triển năng lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ) nghiên cứu xây dựng, được giới thiệu tại Hội thảo "Ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" do Sở Công Thương Phú Yên phối hợp Công ty Solor Bách Khoa... tổ chức cuối tháng 3/2014 tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Để hiểu rõ hơn về những lợi ích mà thiết bị này mang lại, phóng viên đã trao đổi với ông Trần Văn Công - Phó GĐ Trung tâm Phát triển năng lượng Phú Yên.

6b4f7158d_ongcong.jpgPV: Pin năng lượng mặt trời sẽ hoạt động như thế nào  trên các tàu cá, thưa ông?

Ông Trần Văn Công: Pin năng lượng mặt trời là một loại vật liệu có thể chuyển đổi từ bức xạ mặt trời thành điện năng để sử dụng. Các tàu cá được lắp đặt các tấm pin để hấp thụ năng lượng mặt trời, 2 bình ắc quy dùng để tích điện nạp từ pin năng lượng mặt trời, một hệ điều khiển nạp dùng để điều khiển và theo dõi quá trình nạp điện từ pin năng lượng mặt trời vào bình ắc quy để sử dụng cho việc chiếu sáng hay những sinh hoạt khác trên tàu cá.

Hiện các tàu cá ở nước ta chủ yếu là tàu có công suất nhỏ nên khi lắp đặt chỉ được từ 1 - 2 kWp (kWp là đơn vị công suất của pin năng lượng mặt trời). 1kWp pin tạo ra 3 -  4 kWh điện/ngày, dùng cho đèn, quạt, radio, bộ định vị GPS, máy tầm ngư, radar… trên các tàu cá.

PV:  Lắp đặt pin năng lượng mặt trời sẽ mang lại lợi ích gì cho các tàu cá?

Ông Trần Văn Công: Nguồn điện trên các tàu cá chủ yếu là từ động cơ của tàu. Khi động cơ tàu cá gặp sự cố, ngư dân sẽ không có điện dùng cho các thiết bị để liên lạc với đất liền, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu. Do vậy, khi lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, ngư dân sẽ có nguồn điện ổn định để duy trì các thiết bị liên lạc và yên tâm hơn khi đánh bắt xa bờ dài ngày.

Bên cạnh đó, khi ngư dân nghỉ ngơi trên biển, động cơ của tàu không hoạt động nên các thiết bị điện sẽ không được sử dụng để tiết kiệm dầu chạy máy, lúc này pin năng lượng mặt trời sẽ phát huy tác dụng. Nhờ loại pin này, ngư dân vẫn có điện sử dụng mà không tốn chi phí phát điện.

Ưu điểm của pin năng lượng mặt trời là nguồn điện ổn định, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, tiết kiệm dầu chạy máy phát điện, giảm thiểu rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, không gây tiếng ồn và giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường…

Khi sử dụng pin năng lượng mặt trời, mỗi chuyến biển, ngư dân có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền dầu chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt trên tàu.

249c297e2_tauca2.jpg

Mỗi chuyến đi biển, ngư dân có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng tiền dầu chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt trên tàu nếu được lắp pin năng lượng mặt trời trên tàu .

PV: Chi phí lắp đặt pin năng lượng cho tàu cá có đắt không, thưa ông?

Ông Trần Văn Công: Chi phí lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời còn khá cao, khoảng 80 triệu đồng cho 1 tàu cá.

PV: Với chi phí khá lớn như vậy, Trung tâm Phát triển năng lượng Phú Yên có chính sách gì hỗ trợ cho ngư dân?

Ông Trần Văn Công: Vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với Sở KH-CN Đà Nẵng đã tài trợ 160 triệu đồng cho 2 tàu cá lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời được ngư dân đánh giá cao trong quá trình đánh bắt xa bờ dài ngày.

Hiện Trung tâm Phát triển năng lượng Phú Yên đang có dự án liên kết với Bộ Công Thương và các Tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch, Nhật Bản hỗ trợ 100% chi phí lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời cho 10 tàu cá. Trung tâm cũng sẽ khảo sát một số tàu cá ở Phú Yên và khu vực miền Trung để thực hiện dự án này. Nếu thuận lợi, cuối năm nay một số tàu cá sẽ được lắp đặt pin năng lượng mặt trời.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Phú Yên