Thứ tư, 15/01/2025 | 17:11 GMT+7
Với trên 5.000 làng nghề trên phạm vi cả nước cùng 10 triệu người lao động tham gia, nhiều mô hình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tại các làng nghề nông thôn đang cho hiệu quả cao, giúp tiết kiệm nhiều tỷ đồng tiền điện và giảm áp lực cung ứng điện, giảm gánh nặng đầu tư cho ngành Điện.
Tiềm năng lớn để TKNL
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề ở nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là gần 1.800. Khu vực này hiện đang thu hút khoảng 10 triệu lao động. Nhìn chung, hầu hết trang thiết bị, dây chuyền công nghệ tại các làng nghề còn lạc hậu, cũ kỹ, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhiều điện năng.
Theo các chuyên gia, nếu các làng nghề tiên phong vào cuộc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng thì lợi ích đem lại rất to lớn: giảm chi phí sản xuất; giảm áp lực cung ứng điện; giảm đầu tư nguồn điện mới. Và điều đáng mừng là thời gian qua, nhiều cơ sở làng nghề đã áp các biện pháp tiết kiệm năng lượng và cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Tiêu biểu là tại xí nghiệp giấy Đức Bình (thuộc cụm làng nghề Phong Khê – TP Bắc Ninh), chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Đức Hảo - Giám đốc Xí nghiệp nói: “Mỗi năm xí nghiệp chúng tôi sản xuất trên 25.000 tấn giấy. Thời gian gần đây, thị trường đầu ra khó khăn hơn nên buộc chúng tôi phải chú trọng tiết kiệm tối đa chi phí. Yếu tố đầu tiên mà chúng tôi nghĩ tới là phải tiết kiệm điện, giảm giá thành sản xuất. Theo đó, chúng tôi tập trung cải thiện hiệu suất các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng, sử dụng phần mềm tự điều chỉnh tốc độ động cơ, sử dụng biến tần… Lượng điện năng so với trước giảm được 22%. Cụ thể, tử chỗ mỗi tháng tiêu thụ trên 46.000 kWh thì nay chỉ chưa tới 30.000 kWh, giảm được cỡ 20 triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Chúng tôi còn áp dụng sản xuất ca 3 vào giờ thấp điểm, với những thiết bị, phụ tải vận hành không đòi hỏi yêu cầu liên tục thì bố trí người theo dõi, cắt, ngắt thiết bị khi không cần thiết. Tận dụng ánh sáng tự nhiên cho nhà xưởng. Kế hoạch sắp tới, chúng tôi tiếp tục trang bị một dây chuyền sản xuất giấy mới hoàn toàn với hiệu suất sử dụng năng lượng cao nhằm tiết kiệm chi phí, giảm áp lực cung cấp điện cho ngành Điện”.
Làm giàu cũng nhờ TKNL
Còn tại tại làng gốm Bát Tràng, trước, mỗi ngày, làng nghề này tiêu thụ hàng trăm tấn than và thải ra môi trường nhiều khi độc hại như CO, SO2, H2S, bụi Silic và cả chất thải rắn. Tuy nhiêu sau khi có dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai tại làng nghề này thì một loạt các lò than truyền thống đã được thay thế sang lò gas hiện đại. Giờ, Bát Tràng với trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, trên 130 doanh nghiệp và hộ sản xuất sử dụng công nghệ lò gas cải tiến. Tình trạng ô nhiễm, phát thải khí độc hại giảm hẳn. Làng nghề gốm sứ Bát Tràng đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người trên 22 triệu đồng. Với những hộ sử dụng công nghệ gas cải tiến, lợi nhuận tăng tới 2; 3 lần so với trước.
Tại làng nghề Phú Đô nức tiếng với nghề bún cổ truyền, từ chỗ hiệu suất sử dụng năng lượng rất thấp thì nay cũng đã đổi khác. Trước đây, bình quân mỗi hộ làm bún dùng tới gần 18 tấn gạo, sử dụng 2,93 lao động nhưng chỉ sản xuất được hơn 41 tấn bún/năm. Làm bún diễn ra chủ yếu ban đêm, động cơ điện sử dụng hầu hết quá trình xay, khuấy bột, bơm nước, quạt lò bún… Những hộ sản xuất lớn, tiêu tốn tới hàng chục triệu đồng tiền điện.
Khảo sát của Viện Khoa học năng lượng (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chỉ rõ, trung bình mỗi hộ dùng tới 2,2 động cơ điện, công suất bình quân 3,7kWh/hộ. Nhiều động cơ điện thế hệ cũ, tiêu tốn nhiều điện năng, mất an toàn về điện, gây tổn thất và lãng phí, nguy hiểm cho người khi sử dụng.
Sau khi được khuyến cáo từ các chuyên gia của Viện, sự tư vấn của cán bộ thuộc Công ty Điện lực Từ Liêm (thuộc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội - EVNHANOI), các hộ cũng sử dụng động cơ điện tránh những giờ cao điểm, đầu tư, nâng cấp và thay thế những động cơ không đảm bảo kỹ thuật, quá cũ kỹ, sử dụng động cơ có công suất phù hợp với năng lực sản xuất, thường xuyên kiểm tra, bão dưỡng định kỳ để nâng cao hiệu suất, an toàn sử dụng điện. Hiệu quả là đã tiết kiệm tới 71% lượng than so với trước; ước mỗi năm cả làng nghề này tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn CO2; mỗi hộ tiết kiệm được gần nửa lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng.
“Trước đây, sử dụng động cơ điện cũ và thường chạy vào giờ cao điểm, mỗi tháng ngót nghét chục triệu đồng tiền điện thì giờ tháng cao nhất cũng chưa tới 6 triệu đồng tiền điện. Bí quyết của tôi là đừng tiếc rẻ mà ngại thay thế động cơ điện mới, không ngại sản xuất vào giờ thấp điểm. Tôi cũng thay thế toàn bộ bóng đèn tròn sợi đốt sang bóng đèn compact công suất 40W” - anh Trần Văn Hậu một hộ làm bún vui mừng cho phóng viên biết.
Theo Thời báo Việt