Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:34 GMT+7

Dùng nhiệt thừa để... phát điện

22/12/2011

Nhờ lắp đặt hệ thống thiết bị tận dụng nguồn nhiệt dư trong quá trình sản xuất xi măng vào phát điện, nhà máy xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) đã tiết kiệm được từ 2 tỉ đồng tiền điện mỗi tháng.

Nhờ lắp đặt hệ thống thiết bị tận dụng nguồn nhiệt dư trong quá trình sản xuất xi măng vào phát điện, nhà máy xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) đã tiết kiệm được từ 2 tỉ đồng tiền điện mỗi tháng.

4b681ebe5_cong_thanh.jpg

Hệ thống thu hồi khí thải chuyển hóa thành điện năng tại nhà máy xi măng Công Thanh

Sản xuất thép và xi măng là hai ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều điện nhất, đây cũng là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy xi măng tại xã Tân Trường, H.Tĩnh Gia (Thanh Hóa), lãnh đạo công ty xi măng Công Thanh đã quyết định đầu tư một dây chuyền nhằm thu hồi nguồn nhiệt dư khi sản xuất clinker để phát điện.

Đến nhà máy xi măng Công Thanh vào những ngày này, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi sự xanh, sạch ở đây. Thông thường, trong quá trình sản xuất xi măng, các nhà máy thải ra môi trường một lượng khí thải rất lớn, nhưng ở xi măng Công Thanh, khói, hơi nóng đã được thu về để... biến thành điện.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Công Thanh cho biết: “Ở công ty tôi, cả khói và nhiệt đều là năng lượng sẽ sinh ra điện nên không thể lãng phí. Tại ống khói, khí nóng được dẫn theo đường ống đến làm nóng các lò hơi, làm quay tua bin cho máy phát điện. Ngay cả nước thải trong sản xuất xi măng cũng được chúng tôi thu về để hóa hơi, tạo năng lượng quay tua bin máy phát điện. Nguồn điện riêng này sẽ quay trở lại phục quá trình vận hành, sản xuất của toàn nhà máy”.

Trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng công nghệ này, nhưng tại Việt Nam, Công Thanh là một trong những nhà máy đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt dư để phát điện. Hệ thống sản xuất điện năng của nhà máy xi măng Công Thanh được nhập khẩu từ nước ngoài với giá khoảng 4,5 triệu USD, có công suất 3 MW.

Giảm 2 tỉ đồng tiền điện/tháng


Cứ mỗi một tấn clinker được sản xuất, hệ thống thu hồi nhiệt và phát điện tạo ra 1 kWh điện. Với quy mô sản xuất của nhà máy xi măng Công Thanh hiện nay, mỗi giờ hệ thống phát điện sản xuất được khoảng 3.000 kWh điện.

Trước khi lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt để sản xuất điện, mỗi tháng, nhà máy xi măng Công Thanh phải trả khoảng 5 tỉ đồng tiền điện. Sau khi lắp đặt dây chuyền tự làm ra điện, số tiền điện công ty phải bỏ ra chỉ là 3 tỉ đồng, giảm được 2 tỉ đồng/tháng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Công Thanh phân tích: “Với dây chuyển thu hồi nhiệt để sản xuất điện của nhà máy xi măng công Thanh, chúng tôi vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm được 30 đến 40% lượng điện năng phải mua từ lưới. Chỉ sau khoảng 4 năm, lợi nhuận thu lại từ giá trị tiền điện sẽ đủ vốn đầu tư hệ thống máy phát, những năm tiếp theo, dây chuyền sẽ cho lãi ròng bởi đã khấu hao hết và không phải mua nhiên liệu”.

Từ hiệu quả đầu tư của xi măng Công Thanh, hiện nay một số nhà máy xi măng của Việt Nam như nhà máy xi măng Bỉm Sơn đã bắt đầu tiếp cận công nghệ, đầu tư dây chuyền tận dụng nguồn nhiệt dư để phát điện.

Việc đầu tư hệ thống này không những có ý nghĩa về mặt kinh tế cho mỗi đơn vị mà còn giảm áp lực thiếu điện cho cả ngành điện và toàn xã hội. Trong mùa thiếu điện, mỗi doanh nghiệp giảm lượng điện mua từ  lưới điện quốc gia 1 triệu kWh điện/tháng sẽ có thêm hàng chục ngàn hộ gia đình không bị cắt điện.

 
 Theo TNO