Điện thương phẩm tháng 8/2024 của EVNNPC đạt 9,48 tỷ kWh, tăng 10,64% so với tháng 08/2023, trong đó,thành phần công nghiệp xây dựng chiếm 59,8% (tăng 11,99%), thành phần quản lý tiêu dùng chiếm 32,23% (tăng 6,92%), thành phần thương nghiệp dịch vụ chiếm 3,54% (tăng 15,01%). Lũy kế 8 tháng năm 2024, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC đạt 66,521 tỷ, tăng 13,39% với cùng kỳ năm 2023 và bằng 70,07% kế hoạch cả năm 2024.
Cũng trong tháng 8, TTĐN thống kê được là 4,54%, 8 tháng năm 2024 đạt 4,08%, giảm 0,87% so với cùng kỳ 2023 và thấp hơn 0,02% so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc giảm 0,87% tỷ lệ tổn thất điện năng so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: EVNNPC)
Để đạt được kết quả trên, EVNNPC đã chỉ đạo các Công ty Điện lực trực thuộc tiếp tục chú trọng công tác giảm TTĐN. Cụ thể, Tổng công ty đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện giảm tổn thất điện năng tại các đơn vị, sau đó phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân gây ra tổn thất đối với các cấp điện áp. Các đơn vị tiếp tục nhận diện, khoanh vùng các khu vực nguy cơ cao xảy ra tổn thất điện năng thương mại và các giải pháp xử lý cho từng khu vực. Thực hiện nghiêm quy định kiểm tra định kỳ, thay thế công tơ hư hỏng/không phù hợp với các giá trị sơ cấp.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát mua bán điện toàn Tổng công ty, phối hợp với chính quyền, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng địa phương trong kiểm tra xử lý vi phạm sử dụng điện và truy thu điện năng.
Theo đại diện EVNNPC, trên thực tế, dư địa để giảm TTNĐ của Tổng công ty vẫn còn khá lớn; một số đơn vị vẫn đang thực hiện giảm TTĐN một cách thụ động. Để đạt được mục tiêu đề ra, giảm tổn thất điện năng về 4,0% trong năm 2024, EVNNPC yêu cầu các Công ty Điện lực/Điện lực cần thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm; gắn trách nhiệm cụ thể từng cá nhân với kết quả giảm TTĐN của đơn vị. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các số liệu về kĩ thuật, kinh doanh... đảm bảo có cơ sở để xác định chính xác các nguyên nhân gây tổn thất, từ đó có các giải pháp phù hợp.
Đăcn biệt, trong thời gian tới, các đơn vị thành viên EVNNPC cần tiếp tục rà soát, thống nhất quy trình hoạt động, nguyên tắc làm việc; Kiểm soát chặt chẽ các số liệu về kỹ thuật, kinh doanh... đảm bảo có cơ sở để xác định các nguyên nhân tổn thất điện năng chính xác nhất.
Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát tốt chỉ tiêu tổn thất điện năng, tập trung khai thác phần mềm Quản lý MBA để kiểm soát tình trạng mang tải, lệch pha, tránh tình trạng thụ động chờ báo cáo từ các đơn vị; sử dụng có hiệu quả phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện trung thế (NEMO)...
Với những nỗ lực hiện tại, cùng với việc triển khai nhiều giải pháp, thường xuyên nâng cao hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật vận hành lưới điện, hạn chế tối đa sự cố… EVNNPC tin rằng tỷ lệ tổn thất điện năng sẽ tiếp tục giảm, từ đó góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Hương Linh