Hội nghị khách hàng năm 2024 là dịp để Tổng Công ty Điện lực miền Bắc có cơ hội được gặp mặt lãnh đạo chính quyền các địa phương, khách hàng lớn, đối tác trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây cũng là dịp để Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và chính quyền địa phương các cấp, các đối tác có cơ hội chia sẻ khó khăn, tăng cường quan hệ, hỗ trợ, mở rộng hợp tác lâu dài vì sự phát triển chung của toàn khu vực.
Tham dự hội nghị về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ Trưởng, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững; UBND tỉnh Thanh Hóa có sự tham dự của ông Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ngành 27 tỉnh miền Bắc tham trực tuyến qua cầu truyền hình kết nối đến trụ sở các Công ty Điện lực thuộc EVNNPC.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Báo cáo tại hội nghị ông Phan Tử Lượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm toàn tổng công ty đạt trên 90,3 tỷ kWh, tăng 4,5% so với năm 2022 và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đặc biệt, số vụ sự cố giảm sâu so với năm 2022, trong đó, số vụ sự cố lưới điện 110kV giảm 21% so với năm 2022, sự cố lưới điện trung, hạ áp giảm 18,24% so với năm 2022.
Tính hết năm 2023, toàn Tổng công ty đã ký biên bản thỏa thuận tham gia DR với 3.906 khách hàng đạt tỷ lệ 97,82%, 19.113 lượt khách hàng tham gia DR, với tổng công suất tiết giảm 6.254 MW; 1.878 khách hàng ký biên bản đồng ý dịch chuyển giờ sản xuất tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn về nguồn với tổng công suất 1.020 MW; toàn tổng công ty đã thực hiện tri ân 5.130 khách hàng tích cực tham gia DR, dịch chuyển giờ sản xuất.
Ông Phan Tử Lượng – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn điện vào các giờ cao điểm, đặc biệt vào những ngày nắng nóng từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2024, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và vận hành lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác của khách hàng trong việc bố trí lịch sản xuất hợp lý, khoa học, để vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Với trách nhiệm của chính quyền địa phương ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh Thanh Hóa luôn nhận thức rõ và chia sẻ những khó khăn, áp lực với ngành điện trong việc đầu tư hệ thống nguồn và lưới điện cũng như quá trình quản lý vận hành, nhất là trong bối cảnh nguồn cung năng lượng gặp nhiều khó khăn. Để giảm áp lực cho công suất phụ tải đỉnh giờ cao điểm, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng chung tay với ngành điện, có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Ông Mai Xuân Liêm cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và Nhân dân.
Chia sẻ về nhu cầu điện năng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong 3 tháng vừa qua, tăng trưởng nhu cầu điện năng toàn quốc bình quân đạt 11,5% (tăng trưởng điện thương phẩm cùng kỳ năm 2023 là – 0,26%). Trong đó, riêng miền Bắc tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm 03 tháng đầu năm là 10% (tăng trưởng điện thương phẩm cùng kỳ năm 2023 là – 2,05%); trong đó có một số tỉnh/thành phố có mức tăng trưởng (lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ) trên 2 con số như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh… Đặc biệt, một số tỉnh nhu cầu sử dụng điện tăng trên 20% như: Quảng Ninh (28,59%), Hà Tĩnh (23,33%)… Điều này tạo áp lực lớn đến việc cung ứng điện, đặc biệt vào khung giờ cao điểm khu vực phía Bắc từ 13h - 15h30 chiều và 21 - 23h tối.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của EVNNPC trong công tác tiết kiệm điện. (Ảnh Báo Công Thương)
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Quốc Trung - Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết: Ngay từ đầu năm, ngành điện đã giữ mức nước của các hồ thủy điện, đến ngày hôm qua (3/4) ngành điện đã giữ được cao hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2024 và so với năm 2023 là 4 tỷ kWh.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, nhu cầu sử dụng điện trong năm 2024 dự báo có thể tăng trưởng từ 10-11%, công suất phụ tải đỉnh (Pmax) có thể tăng vào tháng 6 đến tháng 7 dự báo khoảng 16-17% và Pmax tại miền Bắc có thể đạt mốc 27.000 MW.
Trước dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 nước về các hồ thủy điện miền Bắc thấp hơn trung bình nhiều năm, cùng với đó không có nhiều nguồn điện mới hòa vào lưới điện quốc gia đã tạo sức ép không nhỏ cho công tác vận hành và điều độ hệ thống điện.
"Đầu năm 2024, cùng với EVN chúng tôi đã làm việc với các nhà máy thủy điện nhỏ, khuyến khích các đơn vị này phát điện vào giờ cao điểm để hưởng giá điện cao, ước tính công suất tăng thêm do thủy điện nhỏ khoảng 1.200 MW, huy động các nguồn điện nhập khẩu và tiếp tục thương thảo để tiến hành mua nguồn điện từ nước ngoài trong khi công suất phụ tải giờ cao điểm có thể cán mốc 27.000 MW" - ông Trung nói và cho biết thêm: "Chúng tôi đã làm hết sức mình để đảm bảo cung ứng điện cho các khách hàng, tuy nhiên mong khách hàng sử dụng điện hợp lý vào các khung giờ cao điểm, tham gia chương trình DR, cho ngành điện mượn các máy phát điện diesel - đây là giải pháp đảm bảo an ninh điện, an toàn hệ thống điện quốc gia".
Năm 2024, EVNNPC đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% điện thương phẩm năm 2024; triển khai hiệu quả chương trình Quản lý nhu cầu điện mà trọng tâm là chương trình DR, mỗi sự kiện DR là 300 MW; dịch chuyển giờ và tiết giảm công suất đạt 1.600MW; huy động nguồn dự phòng của khách hàng qua máy phát diesel, hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 800 MW; đẩy mạnh tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tiết kiệm điện...
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng giám đốc EVNNPC đã đề ra 9 giải pháp, đồng thời tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; bảo đảm kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững.
Vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào Tiết kiệm điện và DR. (Ảnh Báo Công Thương)
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, EVNNPC cũng mời Cố vấn đặc biệt Cục Năng lượng Đan Mạch chia sẻ về Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật triển khai dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng (Chương trình DEPP3); vinh danh 70 khách hàng là các Doanh nghiệp điển hình trong công tác điều chỉnh phụ tải điện và 30 khách hàng là các Cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước điển hình trong công tác sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Anh Thư