Thứ năm, 26/12/2024 | 17:07 GMT+7

'Bí quyết' giảm tổn thất điện năng của EVNHCMC

14/08/2023

Với hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phát triển được hệ thống lưới điện thông minh theo chuẩn mực quốc tế, điều này đã giúp EVNHCMC đạt được nhiều kết quả tích cực trong nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng.

Xây dựng công cụ tính toán tổn thất điện năng online
Trước khi có các hệ thống đo đếm từ xa công tơ điện tử, công tác quản lý “tổn thất khu vực” (khoanh vùng chính xác các khu vực có tỉ lệ tổn thất cao) thường gặp phải các hạn chế nhất định chủ yếu do nguồn dữ liệu (chỉ số tiêu thụ điện) được thu thập thủ công, tần suất hạn chế, khó đảm bảo tính đồng bộ về thời gian và tốn rất nhiều nhân lực.
Trong giai đoạn từ 2014 đến nay, khi việc ứng dụng công nghệ đo đếm từ xa trở nên phổ biến và được đưa vào vận hành thành công tại các đơn vị, công tác thu thập, tổng hợp, kiểm soát nguồn dữ liệu được cải thiện và ngày càng hỗ trợ hữu hiệu cho công tác quản lý tổn thất khu vực cao, trung, hạ thế. Tuy nhiên, việc xây dựng một công cụ tính toán tổn thất khu vực mang tính chất hệ thống lại không hề đơn giản. Để làm được điều đó buộc phải giải quyết hàng loạt các bài toán về “tích hợp dữ liệu” đo xa từ nhiều hệ thống, nhiều công nghệ (RF, PLC, 3G/4G, Fiber Optic) khác nhau, đảm bảo “trao đổi dữ liệu” thông suốt với các chương trình như CMIS, OMS, GIS, hay “tối ưu kết quả tính toán” dựa trên tỉ lệ đo xa, tỉ lệ kết nối có tính toán đến việc thay đổi thường xuyên của phương thức vận hành hoặc điểm đo.
Trong thời gian qua, công tác sửa chữa điện live-live của EVNHCMC cũng góp phần đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và giảm thiểu sự cố
Với khát vọng làm chủ công nghệ, bằng nỗ lực và nguồn nhân lực nội bộ, EVNHCMC đã triển khai xây dựng thành công hệ thống tính toán tổn thất điện năng online và đưa vào quản lý vận hành hiệu quả từ năm 2020 đến nay.
Để xây dựng hệ thống tính toán tổn thất điện năng online, đội ngũ kỹ sư EVNHCMC đã bắt đầu thực hiện 3 công việc chính: xây dựng mô hình tích hợp, chuẩn hóa dữ liệu từ nhiều hệ thống đo xa khác nhau, thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các chương trình; xác định nguyên tắc tính toán tổn thất điện năng online; tự động cập nhật các biến động ảnh hưởng tới kết quả tính toán.
Tất cả các kết quả tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng đều được gắn với các thông tin thống kê tại thời điểm tính toán về, bao gồm: tỉ lệ số điểm đo có đo xa, tỉ lệ kết nối (online/offline); có/không có biến động lưới điện, biến động điểm đo; cảnh báo vận hành, cảnh báo bất thường hệ thống đo đếm. Dựa vào đó, EVNHCMC đã xây dựng nguyên tắc lọc thông minh và lựa chọn kết quả tính toán tối ưu tỉ lệ tổn thất điện năng online để hiển thị trên chương trình, đồng thời kết nối với hệ thống báo cáo thông minh BI để cung cấp thông tin hỗ trợ người quản trị ra quyết định. Đối với các kết quả tính toán không được lựa chọn, các yếu tố ảnh hưởng như tỉ lệ đo xa mất kết nối cao, tỉ lệ ước số lớn, có biến động về phương thức... đều được liệt kê giúp cho việc khoanh vùng, xử lý khiếm khuyết một cách dễ dàng.
Với những việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống tính toán tổn thất điện năng online đem lại 4 chức năng. Thứ nhất, tự động tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng từng tuyến dây trung thế theo ngày; từng trạm biến áp phân phối theo tuần; toàn bộ lưới điện trung, hạ thế theo ngày; lựa chọn kết quả tính toán tối ưu. Thứ hai, giúp cảnh báo các bất thường gây ảnh hưởng tới tỉ lệ tổn thất điện năng tính toán. Thứ ba, hệ thống có chức năng thống kê, tổng hợp kết quả tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng từng tuyến dây trung thế, từng trạm phân phối công cộng (sau khi đã lọc kết quả tối ưu) và phân loại theo ngưỡng “cho phép”, hiển thị bằng các màu sắc khác nhau để giám sát và quản lý tại Công ty Điện lực cũng như quản lý tập trung ở cấp tổng công ty. Thứ 4, hệ thống có chức năng cung cấp thông tin cho hệ thống báo cáo thông minh BI (cổng thông tin thông minh).
EVNHCMC đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng online cho toàn bộ lưới điện
Tiếp tục làm chủ và ứng dụng các công nghệ mới
Qua 2 năm triển khai, đến nay, EVNHCMC đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống tính toán tỉ lệ tổn thất điện năng online cho toàn bộ lưới điện. Hệ thống có thể quản lý chính xác tổn thất khu vực của gần 750 tuyến dây trung thế và hơn 31.000 trạm biến áp phân phối. Từ đó, giúp cho công tác giảm tổn thất được thực hiện chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào việc giảm tổn thất điện năng bền vững.
Theo Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo, việc khai thác hiệu quả các ứng dụng lưới điện thông minh là nền tảng để EVNHCMC đạt được những kết quả tốt trong việc thực hiện 4 nhiệm vụ chính gồm: nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ khách hàng. Đặc biệt, ứng dụng lưới điện thông minh là nền tảng để Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt trong giảm tổn thất điện năng thời gian qua.
Lưới điện thông minh đã giúp giảm tổn thất điện năng của EVNHCMC trong năm 2022 xuống còn 2,93%, giảm sâu so với năm 2010 (5,82%)
Có thể thấy, việc ứng dụng lưới điện trong công tác giảm tổn thất điện năng là định hướng đúng đắn, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh trong việc làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số. Đây cũng chính là tiền đề để EVNHCMC tiếp tục nâng cao mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, góp phần tối ưu vận hành kinh tế kỹ thuật, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Tập đoàn giao.
Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh xác định, công tác giảm tổn thất điện năng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của ngành Điện nói chung và EVNHCMC nói riêng. Trong thời gian tới, EVNHCMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm tổn thất điện năng, thông qua việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý, vận hành, sản xuất kinh doanh điện năng trên địa bàn Thành phố thông qua việc số hóa các biểu mẫu báo cáo. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng các công cụ cảnh báo, hiển thị, phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý thực hiện xử lý nhanh, hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành lưới điện. 
Theo Tạp chí Điện lực quý II/2023