Hội thảo nhằm thảo luận về các thách thức liên quan đến năng lượng chính của TP Hồ Chí Minh và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy thành phố sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Công Thương)
Phát biểu tại hội thảo, ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: Bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, liên tục, ổn định, EVNHCMC còn tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả.
Trong năm 2023, triển khai Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cung ứng, tiết kiệm và an toàn điện TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty đã phối hợp với các Sở, ban ngành, các quận huyện, TP. Thủ Đức. Cũng như các tổ chức đoàn thể tích cực triển khai nhiều chương trình, phong trào, hoạt động tiết kiệm điện nhằm tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng điện tiết kiệm.
Các diễn giả tại Hội thảo (Ảnh: VGP)
Tại hội thảo các chuyên gia hàng đầu trong ngành, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết và cộng tác hiệu quả giữa hai khối công - tư trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.
Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (PDP8) vào tháng 5 năm nay. Đây là kế hoạch phát triển điện hướng tới tương lai, kéo dài từ năm 2021 đến năm 2030, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2050. Mục tiêu chính của kế hoạch này là đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm lượng khí thải nhà kính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện tầm nhìn đầy tham vọng của PDP8 đòi hỏi đầu tư lớn lên đến 134,7 tỷ đô la để xây dựng các nhà máy điện mới và hiện đại hóa lưới điện, tập trung đẩy mạnh năng lượng điện gió, điện mặt trời và nhiệt điện sử dụng khí tự nhiên trong khi dần loại bỏ sự phụ thuộc vào than đá.
Ông Brandon Chia, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Australia, mảng Giải pháp Năng lượng Bền vững của SP Group, cho biết: "SP Group rất mong muốn hợp tác chặt chẽ với EVNHCMC và các đối tác địa phương để xây dựng tương lai bền vững cho TPHCM và Việt Nam. Tận dụng chuyên môn trong khu vực cùng bộ giải pháp năng lượng thông minh và bền vững, mục tiêu của chúng tôi là cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái năng lượng sạch, hiệu quả và đáng tin cậy để giúp các thành phố, quận huyện và tòa nhà chuyển đổi sang tương lai đạt mức phát thải carbon thấp. Điều này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng được đề ra trong PDP8 và thực hiện khát vọng trung hòa carbon".
SP Group nhấn mạnh về chuyên môn của tập đoàn trong các giải pháp năng lượng sáng tạo và bền vững, góp phần tăng cường nguồn cung cấp năng lượng sạch và nâng cao hiệu quả tiêu thụ và quản lý năng lượng.
Theo đó, các giải pháp bao gồm: đầu tư và phát triển các dự án năng lượng mặt trời áp mái, các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và các giải pháp năng lượng tích hợp để tối ưu hóa lượng năng lượng xanh và quản lý tiêu thụ điện; hỗ trợ các công trình xanh và thông minh với Công nghệ Năng lượng Xanh (GET) của SP Group, một bộ giải pháp tiên tiến sử dụng trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật để tạo ra tương lai năng lượng thông minh và phát thải carbon thấp ; GET tích hợp các hệ thống công trình và nguồn dữ liệu để quản lý tiện ích toàn diện, giúp chủ sở hữu và nhà quản lý công trình đạt được các mục tiêu bền vững phù hợp với PDP8. Hệ thống làm mát khu vực - một giải pháp làm mát bền vững và có khả năng mở rộng giúp tiết kiệm năng lượng liên quan đến việc làm mát, cải thiện độ tin cậy, giảm lượng khí thải carbon và khí nhà kính.
Sự kiện đã khẳng định cam kết của SP Group và EVNHCMC trong việc hướng tới một tương lai xanh hơn, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác hiệu quả và các phương pháp sáng tạo để vượt qua các thách thức trong tương lai. Để đạt được tương lai năng lượng sạch cho TP. Hồ Chí Minh và cả Việt Nam, sẽ đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ và phối hợp của các đối tác khu vực, các bên liên quan trong ngành và các cơ quan chính phủ.
Khánh An