Giải pháp điện năng lượng mặt trời phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ trên tại tỉnh An Giang.
Anh Chau Hên - đang đo độ PH trong diện tích đất canh tác.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và đột phá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là hệ thống tưới tiết kiệm nước kết ứng dụng điện năng lượng mặt trời. Anh Chau Hên, ngụ ấp An Hòa, xã Châu Lăng, là nông dân Khmer đầu tiên của huyện Tri Tôn thực hiện mô hình trồng bí trong nhà lưới ứng dụng điện năng lượng mặt trời bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Châu Lăng là xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống ở huyện Tri Tôn, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 65%. Đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung là sản xuất lúa, hoa màu các loại và chăn nuôi bò. Ngoài diện tích nông nghiệp nêu trên, xã còn 220 ha đất ven triền đồi thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ hoa màu các loại.
Chúng tôi có dịp được cán bộ Hội nông dân xã Châu Lăng dẫn đến thăm mô hình trồng bí đao trong nhà màn kết hợp ứng dụng điện năng lượng mặt trời (thuộc dự án năng lượng xanh) của gia đình anh Chau Hên, ngụ ấp An Hòa.
Trò chuyện với chúng tôi anh Chau Hên cho biết, bà con nông dân nơi đây đã tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm mô hình làm vườn, trồng cây ăn trái ở nhiều địa phương trong ngoài tỉnh và tham gia nhiều lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức. Riêng bản thân anh được đi tham quan nhiều nơi, học hỏi nhiều kinh nghiệm về các mô hình trồng rau an toàn trong nhà màn, sau đó mạnh dạn cải tạo diện tích 2.000m2 đất trồng lúa chuyển sang xây nhà màng trồng rau an toàn cách đây hơn 2 năm. Mô hình này, có tổng kinh phí đầu tư trên 900 triệu đồng do dự án năng lượng xanh hỗ trợ.
“Khi thực hiện mô hình này tất cả kinh phí đầu tư được công ty tài trợ hoàn toàn như màn lợp, dây điện, khung nhà… mình chỉ bỏ công ra làm. Mô hình có lợi ích rất nhiều, vừa giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, ít sử dụng phân hóa học mà năng xuất vẫn cao” - anh Chau Hên chia sẻ.
Để đối chứng với canh tác trong dự án năng lượng xanh, anh Hên đã trồng bí đao phía ngoài nhà màn. Cùng thời điểm gieo trồng nhưng cây không phát triển tốt vì mưa bão, sâu bệnh. Từ khi chuyển đất sang trồng hoa màu và đặc biệt là khi trồng trong nhà màn thì năng suất và chất lượng cây trồng cao hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp anh có nguồn thu ổn định.
Trước đây, gia đình anh Chau Hên cũng sản xuất lúa như bao gia đình khác ở ấp An Hòa, xã Châu Lăng. Do đất sản xuất lúa lâu năm bị hoang hóa, thường xuyên xuất hiện sâu bệnh ảnh hưởng đến năng suất lúa khi thu hoạch, cộng thêm giá lúa bấp bênh nên anh quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau an toàn trong nhà màn. Trước đó anh Chau Hên đã trồng thử nghiệm rau muốn, dưa leo và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Dù không có nhiều đất canh tác nhưng nhờ anh Hên tiếp cận được kỹ thuật trồng trọt tiên tiến và đặc biệt là sự quan tâm của ngành chức năng trong việc giúp người dân tăng thu nhập trên mảnh đất của mình nên trong thời gian ngắn, đời sống của gia đình anh đã được cải thiện.
Anh Chau Hên cho biết thêm: “Trước đó tôi đã trồng rau muống, dưa leo, sau này mới chuyển sang trồng bí đao. Hiện nay bí đao đang phát triển rất tốt. Giá bí đao hiện nay rất ổn định nếu so sánh với lúa thì lời cao hơn nhiều”.
Lĩnh vực nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng nên luôn được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nạo vét các tuyến kinh, gia cố đê bao; xây dựng hệ thống thuỷ lợi vùng cao giai đoạn 2 (trạm bơm Châu Lăng II) phục vụ sản xuất lúa 2-3 vụ/năm; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã giúp tăng thêm năng suất, chất lượng nông sản, giảm giá thành và tăng lợi nhuận.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, cho biết: “Đây là mô hình thử nghiệm đầu tiên của xã Châu Lăng, là mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp sử dụng điện năng lượng mặt trời. Nhìn chung mô hình này đã mang lại lợi ích kết cho hộ dân. Đó là lời ích từ thu điện năng và sản phẩm nông nghiệp làm ra. Hướng tới Hội Nông dân xã cũng đề ra một số kế hoạch: thứ nhất đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân trong vấn đề sản xuất; thứ hai, tranh thủ các luồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ hội viên, nông dân nhằm phát triển các mô hình sản xuất, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Giải pháp điện năng lượng mặt trời phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ tại tỉnh An Giang. Hiệu quả mà hệ thống điện mặt trời mang lại là rất lớn vừa tiết kiệm được chi phí tiền điện, nhân công, tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường và làm hiện đại hóa quy trình sản xuất theo công nghệ 4.0 vào ngành nông nghiệp.
Thành công của mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nông nghiệp của anh Chau Hên sẽ là kinh nghiệm quý để nông dân các địa phương áp dụng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, giúp kinh tế nông thôn vùng đồng bào dân tộc ngày càng thêm khởi sắc, đời sống nông dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
Theo: VOV