Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:53 GMT+7

"Sản xuất sạch hơn" giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường

25/10/2010

Sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp là một trong những chiến lược quốc gia quan trọng, nhằm giúp Nhà nước giảm gánh nặng về quản lý môi trường, ngăn ngừa ô nhiễm; giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, bảo toàn nguyên liệu và năng lượng. Doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất ở ĐBSCL đang dần “làm quen” với phương pháp này.

Ngăn ngừa ô nhiễm

 

Quá trình phát triển công nghiệp ở ĐBSCL với sự ra đời của hàng trăm khu, cụm công nghiệp, hàng ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ… ngày càng trở thành gánh nặng về môi trường cho vùng đất này, nhất là môi trường nước và không khí.

 

Thực hiện công nghệ SXSH trong công nghiệp, một trong những phương án hữu hiệu mang lại những lợi ích về kinh tế cho bản thân doanh nghiệp, đồng thời, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải, giảm nguyên liệu đầu vào và cho phép các doanh nghiệp tiếp cận tốt các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Áp dụng SXSH cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp tạo được uy tín và các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Từ năm 2005 đến nay, hợp phần SXSH trong công nghiệp do tổ chức Danida (Đan Mạch) tài trợ cho Việt Nam đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Là 1 trong 5 tỉnh mục tiêu, từ tháng 8-2008, Bến Tre đã chọn Nhà máy sản xuất dừa Thành Vinh tham gia hợp phần. Quá trình tham gia, nhà máy đã thực hiện 15 giải pháp, chia thành 2 giai đoạn.

 

Giai đoạn 1, thực hiện những giải pháp như: quản lý giám sát tiêu thụ hơi nước hiệu quả, bố trí lại các van khóa/mở hợp lý, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu quả…

 

Với những giải pháp đó, nhà máy đã giảm được 1,7m³ nước cấp và 1,7m³ nước thải/tấn sản phẩm, mỗi ngày thu gom được 50kg phế liệu cơm dừa làm phụ phẩm. Mỗi năm, lợi nhuận từ phế liệu cơm dừa mang lại được 21 triệu đồng. Ngoài ra, những giải pháp này cũng giúp nhà máy giảm 45kg phế phẩm/ngày. Đồng thời, 95% lượng trấu hao hụt cũng giảm trên đường vận chuyển.


 images353866_6a.jpg


Trong giai đoạn 2 của hợp phần, nhà máy thực hiện 4 giải pháp lớn: Thu hồi và tái sử dụng tối đa lượng nước ngưng, hơi ngọn; thay đổi lò hơi đốt trấu bằng lò hơi đốt gáo dừa để tận dụng làm than hoạt tính; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cải thiện, nâng cấp nhà xưởng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng của hệ thống ISO 22000: 2005. Nhờ đó, các sản phẩm của nhà máy được đảm bảo an toàn về chất lượng và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng; phù hợp với luật định và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, làm tăng uy tín và sức cạnh tranh của cơm dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

Cần triển khai sâu rộng

 

Không chỉ ở Bến Tre, nhiều cơ sở sản xuất ở Trà Vinh, Long An, Tiền Giang… cũng đã bắt đầu tham gia SXSH. Hợp phần do Danina tài trợ sẽ kết thúc vào năm 2011 nên từ tháng 9-2009, Bộ Công thương đã xây dựng chiến lược về SXSH đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau đó, các địa phương bắt đầu triển khai chiến lược này.

 

Theo ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, từ khi Bến Tre được lựa chọn tham gia hợp phần, hoạt động SXSH trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Khái niệm SXSH đã được phổ biến rộng rãi đến các DN, cơ quan ban ngành thông qua các buổi hội thảo, tờ rơi, bài báo tuyên truyền, phim SXSH phát trên truyền hình. Đồng thời, thông qua các hoạt động truyền thông, trình diễn về SXSH trên địa bàn tỉnh, doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức và thấy được lợi ích thiết thực từ việc áp dụng SXSH, vừa tăng hiệu quả kinh tế cho bản thân doanh nghiệp vừa góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khó khăn mà Bến Tre đang gặp phải đó là tâm lý ngại thay đổi của một số doanh nghiệp trong việc áp dụng SXSH nên chưa mạnh dạn trong đầu tư thực hiện SXSH.

Tại Sóc Trăng, theo ông Trần Thành Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, áp dụng SXSH trong sản xuất chế biến công nghiệp sẽ góp phần thực hiện tốt chiến lược bảo vệ môi trường của Chính phủ và không ngừng nâng cao trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường. Nếu như cuối năm 2005, Sóc Trăng có 5.888 cơ sở sản xuất công nghiệp, đến nay số cơ sở sản xuất công nghiệp trên toàn tỉnh có gần 7.000 cơ sở.

 

Các cơ sở sản xuất công nghiệp tăng cũng là sự gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết vấn đề này, hầu hết các nhà máy chế biến nông - thủy sản Sóc Trăng đã đặt ra mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải nhằm đáp ứng những yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường.

 

Tuy nhiên, đến nay, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia SXSH trên cả nước còn rất khiêm tốn. Trong 5 tỉnh thực hiện hợp phần do Danina tài trợ, chỉ có 57 dự án cho các doanh nghiệp; hoạt động SXSH chủ yếu tập trung vào phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức; trình diễn kỹ thuật đánh giá SXSH tại doanh nghiệp để thuyết phục giới công nghiệp tiếp cận SXSH; đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng năng lực quốc gia về sản xuất sạch hơn.

 

Kết quả trên quả còn rất khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp trong cả nước. SXSH còn gặp không ít những rào cản như thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở sản xuất với chiến lược SXSH, thiếu các chuyên gia về SXSH cho các ngành công nghiệp khác nhau, thiếu thông tin về công nghệ tốt nhất hiện có và công nghệ có tính hấp dẫn về mặt kinh tế, thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý khuyến khích tiết kiệm, quyết định đầu tư chưa được đặt ra trên cơ sở tính toán chi phí tổng thể bao gồm cả các chi phí môi trường.

 

Thêm nữa, SXSH vẫn được xem như là một dự án chứ không phải là chiến lược thực hiện liên tục của một doanh nghiệp mặc dù Bộ Công thương đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp.

 

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, chuyên viên Vụ KHCN (Bộ Công thương), SXSH là giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần, thiếu chủ động và ngắn hạn. Để SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được Việt hóa như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn, cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hóa, có hướng dẫn riêng và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Theo SGGP