Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:31 GMT+7

Chế tạo thiết bị cơ khí cho nhà máy nhiệt điện: Liên kết là sức mạnh

22/10/2010

Dự kiến đến năm 2025, khoảng 70 nhà máy nhiệt điện công suất từ 600MW trở lên sẽ được đi vào vận hành, như vậy ngay từ giờ các nhà máy cơ khí cần những động thái mạnh mẽ hơn nữa để nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, đến nay, ngành cơ khí đã có bước trưởng thành đáng kể trong chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện công suất đến 600MW. Cùng với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước như Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam đã chế tạo được một số thiết bị quan trọng như động cơ, hộp số, hộp giảm tốc, bơm quạt, thiết bị vận chuyển như gầu nâng, vít tải, băng tải thiết bị kho bãi như thiết bị chất liệu, dỡ liệu, thiết bị lọc bụi…

Anh-LILAMA-van-chuyen-Tuabi.jpg

Các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí tin tưởng rằng, doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được thiết bị toàn bộ của các nhà máy nhiệt điện, kể cả các thiết bị có công nghệ phức tạp
Nhiều dự án nhà máy nhiệt điện đã ghi dấu ấn của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, các đơn vị trong nước đã chế tạo và lắp đặt phần lớn thiết bị chính của Nhà máy nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Phú Mỹ 3, 4… Dự án nhiệt điện Uông Bí là dự án có công nghệ đốt than rất phức tạp cũng do Tổng công ty lắp máy (Lilama) lần đầu tiên làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) và đã thành công. Nhờ mạnh dạn đảm đương vai trò tổng thầu nên chỉ tính riêng về mặt kinh tế, tỷ trọng công việc của Lilama ở dự án này trị giá 180 triệu USD. Ngoài ra, Lilama còn đào tạo được hàng trăm kỹ sư ở tất cả các khâu từ tư vấn, thiết kế kỹ thuật, đến quản lý, điều hành dự án.

Từ những thành công bước đầu ấy, mới đây, Chính phủ tiếp tục giao cho Lilama làm tổng thầu EPC hai dự án: Uông Bí mở rộng 2 (công suất 300 MW) và Cà Mau 2 (công suất 720 MW) và làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Điện Vũng Áng tại Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì dự án Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện 600 MW tại Quỳnh Lập - Nghệ An.

Bộ Công Thương cũng ra quyết định hạn chế nhập khẩu một số thiết bị cơ khí trong nước đã sản xuất được. Đây được cho là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu cho thị trường.

Liên kết là giải pháp

Mặc dù đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng nhìn chung, tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị đồng bộ của một nhà máy nhiệt điện vẫn còn thấp. Phần nội địa hoá được với tỷ lệ cao chủ yếu là những bộ phận đơn giản. Nhiều bộ phận thiết bị phức tạp vẫn phải gia công, chế tạo theo thiết kế và giám sát của chuyên gia nước ngoài, còn các dây chuyền tản nhiệt điện vẫn phải nhập ngoại. Tính đến nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới chỉ nội địa hóa được 15% - 18% tổng số thiết bị cho một nhà máy nhiệt điện.

Nhằm hỗ trợ cao nhất cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. Cho nên, cùng với những cơ chế, chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển mà không ảnh hưởng tới những cam kết quốc tế, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cơ khí cũng cho rằng, Nhà nước cần đưa ra mục tiêu, trách nhiệm nội địa hóa cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng: “Đối với những công trình mà các doanh nghiệp trong nước đã làm được thì cần kiên quyết hạn chế việc nhập khẩu toàn bộ dây chuyền của nước ngoài. Về phía doanh nghiệp, chúng ta không thể tham vọng chế tạo toàn bộ 100% số thiết bị của một nhà máy bởi chưa có khả năng làm được và có làm cũng không hiệu quả bởi không một nước hay một doanh nghiệp nào lại đầu tư một số vốn khổng lồ để sản xuất tất cả các thiết bị cho một nhà máy. Cho nên, cần xây dựng những doanh nghiệp cơ khí chế tạo mạnh trong nước thành những đơn vị chủ lực, đồng thời coi trọng tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, kể cả các đơn vị liên doanh để mỗi đơn vị đầu tư chế tạo một loại thiết bị, từ đó mới nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cũng khẳng định: “ “Đơn độc” trong chế tạo các thiết bị cơ khí không phải là hướng đi khôn ngoan cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay bởi nguồn vốn đổ vào ngành này là quá lớn. Cho nên, trước mắt, doanh nghiệp trong nước cần hợp tác theo hình thức cùng tham gia thực hiện các dự án với các đối tác nước ngoài có trình độ công nghệ tiên tiến. Như vậy, vừa có thể đảm bảo chất lượng, giá thành, vừa tiếp thu được kinh nghiệm thiết kế của họ”.

Theo KTVN