Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:47 GMT+7
Đó chính là nơi người thợ sửa chữa xe máy Nguyễn Trọng Hoàng tìm ra giải pháp tiết kiệm nhiên liệu cho xe tay ga.
“Cho tôi và cho mọi người”
Tốt nghiệp loại giỏi lớp thực hành kỹ thuật ôtô, xe máy do Chính phủ Nhật tài trợ từ đầu những năm 90, được tuyển vào làm công việc nhân viên kĩ thuật tại nhà máy Sữa nhưng anh vẫn có "duyên nợ" với những chiếc xe. Có thể nói, việc tìm ra giải pháp tiết kiệm xăng cho xe máy xuất phát từ việc một người thợ máy dám nghĩ, dám đặt câu hỏi và sau đó là dám làm. “Tại sao cứ xe tay ga lại ăn xăng mạnh? Tại sao không ai tìm ra giải pháp? Tại sao mọi người cứ cố hữu chấp nhận tình trạng này?”.
Anh Hoàng cho biết: “Tôi không cho đây là một 'phát hiện' gì ghê gớm, mà chỉ là một giải pháp khắc phục để giúp xe đỡ tốn xăng thôi. Những việc tôi làm xuất phát từ nhu cầu của bản thân, của những người trong gia đình và sau đó là nhu cầu của mọi người”.
Cũng theo anh Hoàng, không có thành công nào có thể đến với mình một cách dễ dàng. Sự thành công nào cũng phải đánh đổi bằng trí tuệ, công sức, đam mê, tính kiên trì và sự nỗ lực. Ít ai biết rằng, để tìm ra giải pháp tiết kiệm xăng cho xe máy, anh Hoàng đã từng nghiên cứu, “mổ xẻ” rất nhiều những chiếc xe mình có. Mẹ anh Nguyễn Trọng Hoàng kể: “Thời điểm nó mang 6-7 chiếc xe máy về nhà, tháo tháo, lắp lắp, tôi nhìn mà thấy suốt ruột. Nó bảo khắc phục để xe đỡ tốn xăng mà thấy cái nào khắc phục xong cũng không chạy nổi. Nhưng tôi thì tôi vẫn tin là nó làm được”.
Sau khi hạn chế mức tiêu hao nhiên liệu cho chính chiếc xe của mình, từ năm 2003, anh Hoàng bắt đầu “chữa bệnh ăn xăng” cho xe máy tay ga của những người quen. Cái cảm giác lo lắng cứ thường trực trong anh lúc ban đầu, anh gọi điện theo dõi tình trạng những chiếc xe đã làm, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người đi. “Tôi tin vào cách làm của tôi. Khi đã tìm ra đúng nguyên lý của tự nhiên và khắc phục được những “lỗ hổng” ăn xăng, tôi có thể tự tin mình làm chủ được phương pháp. Việc tôi lo lắng chính là những lí do khách quan làm mất hiệu quả của giải pháp, và khi đó, tôi sẽ bị mất lòng tin từ người sử dụng”, anh Hoàng tâm sự.
Tuy nhiên, thật may là những gì anh Hoàng lo lắng đều không xảy ra. Hầu hết anh nhận được tín hiệu phản hồi tích cực từ khách hàng. Những chiếc xe tay ga đang có mức tiêu thụ nhiên liệu, theo ước tính của các chủ xe khoảng gần 4lít/100km, nay xuống còn khoảng 2,5 - 2,7lít/100km, một con số giảm đáng kể.
“Tiếng lành đồn xa” cộng với thực tế những gì mà anh Hoàng đã làm được, sau ngần ấy năm tìm tòi thử nghiệm rồi chiếm được lòng tin của mọi người, giờ đây, đã có rất nhiều người đến với người thợ chữa bệnh đặc biệt của xe máy này. Những cuốn sổ thống kê tên khách hàng và số xe đã ghi tới con số trên 1.000. Người ta mang đủ loại xe tay ga đến nhà anh để điều chỉnh mức xăng, từ Honda SH đến Sophie, Spacy; từ Vespa của Piaggio đến Mio, Lead, nhưng nhiều nhất vẫn là Nouvo và Attila. Càng làm anh càng tìm ra nhiều cách khắc phục, nên càng làm càng thấy mê công việc.
Áp dụng lí thuyết vật lí
Quá trình cháy đòi hỏi phải có 3 yếu tố: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt. 3 yếu tố này đầy đủ thì xe mới vận hành tốt. Nếu giảm xăng, tức giảm chất cháy thì một trong ba yếu tố không đảm bảo. Do vậy, phương pháp hạn chế tiêu thụ nhiên liệu của anh Hoàng không phải là hạn chế lượng xăng cấp vào mà là tận dụng khả năng sinh công của nhiên liệu khi đốt cháy.
Theo anh Hoàng, nếu ba yếu tố trên đảm bảo thì có 100% năng lượng được sinh ra, nhưng động cơ lý tưởng chỉ sử dụng hơn 30% năng lượng đó (nghĩa là chỉ 30% của 100% năng lượng biến thành công). Nhưng hầu hết các loại xe (với nhiều lí do khác nhau) chỉ sử dụng được 15%-20% năng lượng đốt cháy, số phần trăm còn lại sinh nhiệt và sản sinh ra công dư thừa. Anh Hoàng nhận ra điểm yếu này của xe để điều chỉnh lượng tiêu hao nhiên liệu nhờ vào việc điều chỉnh khả năng sinh công có ích. Với số xăng cùng lấy ra một lượng nhất định nhưng sẽ được tận dụng và chỉnh tăng công xe chạy, giảm các loại công phụ. Cũng theo cách lí giải này, phương pháp của anh Hoàng là vừa tận dụng tốt nguồn năng lượng, vừa không làm mất đi sức mạnh của động cơ, thậm chí xe chạy còn êm ái và mạnh mẽ hơn.
Một ưu điểm khác trong cách khắc phục tình trạng “ăn xăng” ở xe máy tay ga của anh Hoàng là không can thiệp đến kết cấu động cơ, không tháo bổ máy, không lắp thêm phụ kiện và không dùng chất phụ gia. Nhiều người chưa biết cách làm của anh chỉ nghĩ đơn giản: “Việc hạn chế ăn xăng của ông này chắc là do làm vài động tác rửa chế, thay lọc gió, đổ thêm nhớt nên hiệu quả không lâu dài”. Tuy nhiên, anh Hoàng khẳng định: “Những chiếc xe tôi chỉnh sửa đều qua quá trình theo dõi, đánh giá hiệu quả trong một thời gian dài. Khi nhận một chiếc xe, để hạn chế mức tiêu thụ nhiên liệu của nó, tôi phải tìm ra và khắc phục mọi triệu chứng gây tốn xăng. Mỗi xe có thể có nhiều yếu tố gây hao xăng, mỗi xe lại bắt gặp một “bệnh”, không xe nào giống xe nào”.
Niềm vui và sự trăn trở
Anh Quang (Quận Ba Đình, Hà Nội) – người đã tin tưởng giao 3 chiếc xe tay ga để anh Hoàng chỉnh sửa, đánh giá: “Cái có thể nhìn rõ nhất sau khi anh Hoàng chỉnh sửa mức tiêu thụ nhiên liệu là lượng xăng đỡ tốn hơn khoảng trên 1 lít cho một quãng đường 100 cây số. Tôi cũng rất bất ngờ với mức chi phí chỉnh sửa, 250 nghìn cho một chiếc xe - mức chi phí rất rẻ so với hiệu quả của nó”.
Chị Hòa (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) – chủ nhân của một chiếc Attila chia sẻ: “Lúc đầu tôi không tin tưởng lắm với cách làm của anh Hoàng. Tôi nghĩ, anh ta hạn chế xăng kiểu gì khi các Hãng xe đã tính đến mức tiêu hao nhiên liệu tối ưu, nếu anh ta làm, chắc chắn xe đi sẽ không còn bốc như trước. Sau này, có đi xe trực tiếp tôi mới thấy mình nghĩ sai. Xe đi vẫn bốc, vẫn êm mà lại tiết kiệm xăng hơn nhiều”.
Cho đến nay, sáng kiến tiết kiệm xăng của anh Nguyễn Trọng Hoàng vẫn chưa được các nhà khoa học kiểm chứng cụ thể để đánh giá chính xác nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Với anh, làm xong một chiếc xe là một thành quả. Mỗi sự thừa nhận, sự chứng thực của khách hàng là một niềm vui. Như thế cũng là đủ động lực để anh tiếp tục công việc lắm rồi. Sẽ vẫn có những buổi xe xếp hàng chờ anh làm sau giờ hành chính, vẫn có những ngày nghỉ làm tới 19 – 20 chiếc xe khiến anh hoa mắt.
Hạnh phúc vì mình đã mang đến niềm vui cho người khác là thế nhưng ở người thợ sửa xe đặc biệt này vẫn còn những trăn trở. Trước hết, anh vẫn muốn mọi người thay đổi lối suy nghĩ: “xe ga là phải ăn xăng, chấp nhận đi xe ga là chấp nhận tốn xăng” và “xe ăn càng nhiều xăng thì càng khỏe”. Theo anh, đó là một quan niệm sai lầm. Vấn đề không phải ở động cơ sử dụng nhiều xăng hay ít, vấn đề là việc sử dụng xăng hiệu quả như thế nào.
Trong quá trình nghiên cứu phương pháp giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu, anh Hoàng cũng nhận ra rằng: “Việc đưa ra các model xe máy “ăn xăng” phải có trách nhiệm từ nhà sản xuất. Họ công bố mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ là trên lí thuyết, còn thực tế lại khác xa, sau đó họ đổ trách nhiệm cho người sử dụng, cho điều kiện đường xá, tiêu chuẩn…”
Thế nên, để hạn chế được mức tiêu thụ nhiên liệu trên xe máy tay ga một cách phổ biến không chỉ phụ thuộc vào cá nhân của một người thợ sửa chữa như anh Hoàng. Tất cả chúng ta phải nghĩ khác. Các nhà sản xuất mỗi khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải nghĩ khác.