Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:47 GMT+7

Biến rác thành vàng “xanh”

30/09/2010

Tại Đài Loan, 180.000 tấn nhựa phế thải đã được thu gom và biến thành nguyên vật liệu trị giá 4,5 tỉ đài tệ vào năm ngoái

Từ tóc giả cho đến trang phục bóng đá và gạch xây dựng, Đài Loan đang thổi một cuộc sống mới vào trong nhựa phế thải, tạo ra một ngành công nghiệp xanh trong bối cảnh hòn đảo này muốn trở thành một nơi thân thiện môi trường.


 
“Vải sinh thái”

 
Đài Loan bắt đầu tái chế nhựa hơn một thập kỷ trước giữa lúc có những mối lo ngại ngày càng tăng về môi trường. Ngày nay, Đài Loan đang tự hào về tỉ lệ tái chế nhựa phế thải lên đến 73%.

 
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Đài Loan, gần 180.000 tấn nhựa phế thải đã được thu gom và biến thành nguyên vật liệu trị giá 4,5 tỉ đài tệ (khoảng 2.760 tỉ đồng) vào năm ngoái, giúp cắt giảm chi phí xử lý rác thải và khí thải CO2.


15-taiwan-2.jpg

 
Ông Ma Nien-ho, phát ngôn viên của Hội đồng Quản lý Quỹ tái chế của chính quyền, cho hãng tin AFP biết: “Nhựa tái chế có thể được làm thành nhiều sản phẩm như quần áo, chậu hoa, tóc giả và khóa kéo. Chúng tôi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn kiếm được tiền”.


Đài Loan tự hào về loại “vải sinh thái” được các công ty địa phương dùng để may trang phục cho 9 đội bóng tranh tài tại World Cup 2010. Mỗi bộ trang phục được làm từ 8 chai nhựa được nấu chảy và xử lý thành vải polyester.

 
Theo Viện Nghiên cứu Dệt may Đài Loan, loại vải này nhẹ hơn 13% so với vải truyền thống có thể hấp thụ và phân tán mồ hôi nhanh hơn. Ngoài ra, Alex Lo, Giám đốc Công ty Super Textile Corporation, cho biết quá trình sản xuất “vải sinh thái” cũng thân thiện với môi trường hơn vì nó sử dụng ít nước và năng lượng hơn để nhuộm quần áo.

 
Nhà bằng chai nhựa

 
Super Textile, nhà sản xuất “vải sinh thái” hàng đầu Đài Loan, bắt đầu xuất khẩu sản phẩm này sang Hoa Kỳ và Nhật Bản trong những năm gần đây, giúp phát triển hoạt động kinh doanh của công ty.

 
Ông Lo nhận định: “Phản ứng đối với “vải sinh thái” đã nồng ấm hơn nhiều trong 2 năm qua do sự nhận thức ngày càng cao về tình trạng toàn cầu ấm dần lên và giá bông lên xuống thất thường. Chúng tôi tin rằng sự quảng bá của “vải sinh thái” tại World Cup sẽ giúp nhu cầu tăng cao hơn nữa”.
 

Đài Loan, nơi tiêu thụ khoảng 4,5 tỉ chai nhựa hằng năm, được xem là có lợi thế trong sản xuất “vải sinh thái” do chi phí vận chuyển và tái chế thấp. Tzu Chi, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất Đài Loan, điều hành khoảng 4.500 trạm tái chế khắp hòn đảo này.

 
Với sự giúp đỡ của khoảng 70.000 tình nguyện viên, Tzu Chi đã thu gom được 12.000 tấn chai nhựa phế thải vào năm ngoái. Kể từ năm 2007 đến nay, Tzu Chi đã phân phát hơn 300.000 chiếc chăn làm từ chai nhựa trong các hoạt động cứu trợ.

 
Trong tương lai gần, các ngôi nhà được xây từ chai nhựa tái chế có lẽ sẽ mọc lên như nấm khắp Đài Loan sau khi tòa nhà Eco Ark ra mắt vào tháng 11 tới. Tòa nhà này cao 24 m, được làm từ 1,5 triệu chai nhựa tái chế với kinh phí xây dựng vào khoảng 300 triệu đài tệ.

 
Kiến trúc sư Arthur Huang giới thiệu: “Các chai nhựa được xử lý để làm gạch có thể chống động đất, gió và lửa, có thể mang lại cho tòa nhà nguồn sáng tự nhiên để tiết kiệm điện. Loại gạch này cũng rẻ hơn so với những vật liệu thông thường như gỗ, kính nên chi phí xây dựng thấp hơn nhiều”.



Tiến Đạt