Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:23 GMT+7

Hỗ trợ đầu tư năng lượng sạch

21/09/2010

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng sạch đang tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tại hội thảo về công nghệ sạch Phần Lan tại VN do Thương vụ Phần Lan kết hợp với Tổ chức Cleantech Finland tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng VN cần có nhiều ưu đãi cho các DN đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (APERC) thực hiện vào năm 2009, với tốc độ tăng bình quân 3,4%/năm, tổng mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam vào năm 2030 sẽ đạt 104Mtoe. Tiêu thụ năng lượng sẽ tăng ở mọi lĩnh vực, chiếm tỉ trọng cao nhất là công nghiệp (35,8%), tiếp đến là giao thông vận tải (28%), còn lại là các lĩnh vực dân dụng và thương mại.

 

Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại VN, ông Pietro Karjalainen - Tham tán Thương mại Phần Lan tại VN - cho rằng DN Phần Lan nên tìm hiểu cơ hội đầu tư vào việc sản xuất điện từ các phế phẩm nông nghiệp như trấu, phân gia súc, tảo biển... tại đồng bằng sông Cửu Long vì  đây là vùng nguyên liệu dồi dào. Ông Karjalainen cũng cho rằng đến năm 2030, nhu cầu năng lượng VN sẽ tăng khoảng 4 lần so với hiện nay.
 

Stoked-about-wind-1-sm.jpg


Về phía DN, ông Janne Mielck - Phó Chủ tịch Quỹ Đầu tư New Ventures thuộc Công ty Năng lượng tái tạo Neste (Tập đoàn Neste Oil) - nhận định: VN là thị trường tiềm năng cho công nghệ sản xuất năng lượng sạch của Phần Lan. Tuy nhiên, hiện trở ngại lớn nhất là chính sách thu hút đầu tư vào ngành này vẫn chưa rõ ràng nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.


Nhà nước nên miễn thuế nhập khẩu, sản xuất và lưu thông các thiết bị năng lượng sạch; lồng ghép chương trình năng lượng sạch vào các chương trình khác ở nông thôn, như xóa đói giảm nghèo, điện khí hóa, nước sạch... để thu hút sự quan tâm và tham gia của người dân cũng như các nhà đầu tư.

 

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM - cho rằng việc sử dụng năng lượng sạch được xem là giải pháp nhằm giải quyết hai mục tiêu: Bảo đảm an ninh năng lượng và chống ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.


Tuy nhiên, hiện tại những chính sách trong lĩnh vực này chưa tạo động lực thu hút sự tham gia đầu tư của DN trong và ngoài nước. “Chính phủ cần đưa ra cơ chế ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng sạch, đặc biệt là các chính sách tài chính (vay ưu đãi, cơ chế giá điện, thuế,...), chính sách R&D, sớm ban hành các quy trình hướng dẫn và phân cấp quản lý Nhà nước giữa Trung ương và địa phương về vấn đề DN trọng điểm, tem năng lượng, cơ chế hỗ trợ năng lượng sạch” - ông Tước kiến nghị.

 

Theo Báo Người lao động