Chủ nhật, 22/12/2024 | 23:23 GMT+7

Sản xuất gạch ngói nung bằng “công nghệ bán dẻo”

10/08/2010

Với việc sử dụng các nguyên liệu "gầy" thay thế cho đất ruộng để sản xuất gạch ngói nung, "công nghệ bán dẻo" đã mở ra hướng đi mới, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Hiện nay, tại Việt Nam, đất sét ruộng vẫn được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói nung. Theo thống kê, để sản xuất được khoảng 1.000 viên gạch, lượng đất nguyên liệu được sử dụng vào khoảng 2m3. Cho nên, hàng năm, để đáp ứng nhu cầu gạch ngói cho xây dựng cần đến hàng ngàn ha đất canh tác. Về lâu dài, việc này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp cũng như môi trường sống. Với nhu cầu về vật liệu xây dựng  tăng từ 10-12%/năm, để đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng đất sét ruộng, đến năm 2020, sẽ cần khoảng 60-64 triệu m3 đất sét, tương đương gần 3.200ha đất nông nghiệp.

 

Bên cạnh đó, với việc sử dụng công nghệ nung gạch truyền thống, năng suất thu được là không cao. Chưa kể đến việc công nghệ này còn thải ra không khí một lượng lớn các loại khí độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường sống như SO2, CO2, bụi, nước và chất thải rắn.

 

Để khắc phục tình trạng đó, một công nghệ sản xuất và nung gạch mới được ứng dụng từ những nước có công nghệ sản xuất gạch ngói nung tiên tiến như Đức, Tây Ban Nha, Italia, Trung Quốc đã được Công ty CP Thạch Bàn ứng dụng và triển khai tại Việt Nam. Đó là công nghệ "bán dẻo".


 Cong-nghe-ban-deo.jpg


Trên thế giới, tại những nước có công nghệ sản xuất gạch ngói nung tiên tiến, công nghệ bán dẻo đã được sử dụng và mang lại nhiều lợi ích. Điểm vượt trội nhất của công nghệ này là không sử dụng đất sét ruộng làm nguyên liệu mà sử dụng những loại đất không hoặc ít có tác dụng trong sản xuất nông nghiệp như các loại đất đồi, đất bóc thải loại ở các mỏ, bìa than, than xít, xỉ lò nung, gạch ngói phế liệu, sản phẩm sau phá dỡ tường xây, ngói lợp… Thậm chí, gạch ngói phế liệu, xỉ lò sau khi nung cũng sẽ được nghiền nhỏ, đưa quay trở lại dây chuyền và trở thành nguyên liệu phục vụ cho việc tái sản xuất.

 

Để sản xuất gạch, công nghệ bán dẻo sử dụng một hệ máy chuyên dùng đặc biệt để gia công chế biến các nguyên liệu, tạo thành một hỗn hợp chuyên dùng cho từng loại sản phẩm khác nhau như gạch xây, ngói lợp, gạch lát nền. Sau đó, gạch được tạo hình rồi đưa vào lò nung.

 

Đặc biệt, quá trình tạo hình gạch sẽ được diễn ra ở một hệ thống máy đặc biệt, độ ẩm thấp nên sản phẩm sẽ không mất thời gian phơi bằng hệ thống nhà kính, sân phơi như công nghệ cũ mà sẽ được đưa thẳng vào lò nung. Cũng do vậy, cường độ nén, uốn và bám vữa của viên gạch đều cao hơn 2-3 lần, chất lượng gạch tốt hơn và hình dáng viên gạch vuông vắn hơn.

 

Để nung gạch, các hệ thống lò sấy, lò nung cũng được thiết kế riêng biệt để phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau, giúp việc sử dụng năng lượng được hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, công nghệ này hạn chế rất nhiều việc sử dụng diện tích sân phơi nhà kính, đồng thời không phụ thuộc vào thời tiết nên tiết kiệm thời gian, năng lượng. Đồng thời, so với công nghệ cũ, do không mất công phơi gạch và hạn chế xếp gạch, công nghệ này giúp tiêu hao lao động chỉ bằng 30-35%. Đặc biệt, với việc phế liệu được quay vòng lại trở thành nguyên liệu nên công nghệ này cũng hạn chế đến mức tối đa phế liệu sau sản xuất.

 

Đặc biệt, mặc dù sử dụng công nghệ mới nhưng công nghệ này cũng không làm tăng giá thành sản xuất của sản phẩm. Cho nên trên thị trường, giá thành của sản phẩm gạch ngói sử dụng công nghệ bán dẻo có giá bán tương đương với giá bán của sản phẩm sử dụng công nghệ truyền thống cùng loại. Với những tính năng ưu việt, đây được đánh giá là một trong những công nghệ sản xuất gạch ngói sẽ được ứng dụng rộng rãi thời gian tới.

 

Thúy Hằng