Thứ tư, 15/01/2025 | 16:39 GMT+7

Không sợ cắt điện nhờ điện mặt trời

26/07/2010

Một dàn pin mặt trời phủ có diện tích hơn 100 m2 vừa cấp điện cho tòa nhà, vừa hòa điện lưới đảm bảo tòa nhà luôn có điện... Hơn thế nữa, nó còn thể tận dụng điện lưới vào giờ thấp điểm, giá điện rẻ để tranh thủ sạc lại hệ thống điện mặt trời. Đó là ưu điểm của công nghệ mới vừa được thử nghiệm tại TP.HCM.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa...

“Sự ra đời của công trình là cái duyên Solarlab-Tuấn Ân, mà Solarlab đã chờ đợi suốt 30 năm nay…”, đó là câu nói dí dỏm của ông Trịnh Quang Dũng (phụ trách Solarlab, tác giả công trình này) song nó đã nói lên một sự thật đầy gian truân mà điện mặt trời (ĐMT) Việt Nam trải nghiệm suốt 30 năm qua.

Với số tiền đầu tư trên dưới 2 tỉ, không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn lòng, đó là chưa kể các yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa” tạo nên sự thành công của công trình.Năm 2007, Tập đoàn Mai Linh cũng từng có ý định đầu tư một công trình ĐMT ngay tại tổng hành dinh của Công ty ở 168, Hai Bà Trưng.

Solarlab cùng Mai Linh đã khảo sát  thiết kế và rồi “cuộc duyên” không thành chỉ do yếu tố “địa lợi” chưa thuận. Tòa nhà Mai Linh mua lại từ nhiều chủ rồi xây dựng lên vì vậy không ai dám đảm bảo cho một công trình ĐMT nối lưới đặt trên sân thượng có tổng trọng lượng lên đến hai chục tấn. Mặt khác lúc đó, công nghệ ĐMT nối lưới còn quá mới mẻ đối với VN nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

dmt_anhtotrongbai.jpg

Nhưng rồi cuộc “duyên mới” đã lại tới khi đại diện Tập đoàn Tuấn Ân tìm gặp Solarlab vào giữa năm 2009. Lần này các yếu tố “thiên thời-địa lợi-nhân hòa” đều đạt mỹ mãn và công trình đã được “trình làng” khẳng định cho năng lực công nghệ ĐMT của VN hoàn toàn có thể theo kịp và hòa nhập thế giới. Cái “thiên thời” ở đây đánh dấu từ bầu không khí căng thẳng vì thiếu điện ở Việt nam và quyết tâm chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính bằng năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng đang được khởi động tầm quốc gia ở Việt nam. Trong xu thế đó, Sở KH&CN TP. HCM đã vào cuộc và chung tay hỗ trợ dự án.

Bảo đảm luôn có điện với giá rẻ

Dự án ĐMT nối lưới đầu tiên này ở TP. HCM  đã được khởi động từ 9/2009 và sau hơn 6 tháng ròng rã, nỗ lực của nhóm tác giả Solarlab cùng Công ty CP Nam Thái Hà (phụ trách chế tạo thiết bị theo thiết kế và giám sát kỹ thuật của Solarlab-Viện Vật lý TP.HCM).

Công trình đã đơm hoa kết trái và trình làng vào tháng 3/2010. Các dàn pin mặt trời có tổng công xuất 12,6KWp phủ khắp mặt sân thượng của tòa nhà có diện tích tới hơn 100m2. Đây là công trình ĐMT lớn nhất TP.HCM tính đến 2010. Phòng điều hành máy với dàn ắc quy  chuyên dụng có dung lượng lớn (1.600 Ah /48V) đảm bảo có điện hoạt động 24/24, không phụ thuộc vào nguồn điện quốc gia. Mỗi ngày hệ thống ĐMTNL này sản xuất được 70 KWh điện đủ cung cấp 100% cho nhu cầu điện ưu tiên (30% nhu cầu của toàn tòa nhà Tuấn Ân). 

Điện từ dàn pin mặt trời và điện lưới được máy PV Madicub (Thiết bị biến ĐMT dạng một chiều thành điện xoay chiều 220V 50Hz) hòa mạng đưa vào lưới sử dụng với tiêu chí ưu tiên tuyệt đối cho ĐMT cấp tải. Chỉ khi ĐMT không đủ, mới cần sự trợ giúp từ điện lưới quốc gia.

Ý nghĩa khác của công nghệ là khả năng hỗ trợ phụ tải cho điện lưới quốc gia và hỗ trợ người tiêu dùng có thể mua điện giá rẻ của EVN vào giờ thấp điểm (mua điện lưới vào ban đêm với giá rẻ 500đ/Kwh) để dùng vào giờ cao điểm có giá cao khoảng 2000 đ tính theo lũy tiến.

Khi bị cắt điện hay có sự cố đường dây, lập tức hệ thống chuyển sang dùng mạng ĐMT dự phòng từ dàn ắc quy 1600 Ah nhờ máy Madicub dự phòng (Máy biến điện bình 48VDC sang 220VAC 50Hz).

Từ 10 giờ đêm, hệ thống điều khiển thông minh ra lệnh cho bộ sạc lưới “nhảy vào”  lưới quốc gia mua điện giá rẻ (500đ/KWh). Khi ĐMT sản xuất từ dàn pin mặt trời dư không dùng hết, phần điện dư thừa lập tức được đưa về dự trữ vào hệ thống tồn trữ năng lượng của công trình. Toàn bộ hoạt của hệ thống được phần mềm ghi lại, lưu trữ vào ổ cứng máy vi tính và các nhà kỹ thuật có thể truy cập dữ liệu, nghiên cứu bất kỳ lúc nào. Nguồn dữ liệu số hóa này của hệ thống còn có thể truy cập từ vệ tinh nhờ một thiết bị Web-box nếu có nhu cầu.

Với công nghệ mới này, Việt Nam đã ghi danh là quốc gia thứ 6 ở châu Á làm chủ được công nghệ ĐMTNL cùng với Nhật bản,Trung quốc, Hàn quốc, Đài loan, Thái lan.

Theo Báo Đất Việt