Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:46 GMT+7

Chip quản lý năng lượng

30/06/2010

Ưu điểm nổi bật là chip hoạt động với công suất thấp, mức điện áp cung cấp thấp và cung cấp nhiều giải pháp kiểm soát điện áp ngõ ra. Ngoài ra, TH7150 còn cung cấp các tính năng tiên tiến như có chức năng bảo vệ quá dòng hoặc ngắn mạch, chức năng bảo vệ quá nhiệt và giám sát mức điện áp ngõ ra – hạn chế khả năng mức điện áp ngõ ra giảm quá 10%. Ba chức năng này đảm bảo hoạt động tại ngõ ra luôn ổn định và tránh các hư hại do ảnh hưởng của quá nhiệt hay quá dòng

Đối với ngành thiết kế vi mạch còn khá mới mẻ ở Việt Nam thì công trình của ThS. Ngô Đức Hoàng (ảnh) – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), ĐHQG TP.HCM cùng các cộng sự thực sự là một điểm sáng. Sản phẩm cung cấp một giải pháp quản lý nguồn năng lượng an toàn cho các thiết bị vi mạch, cũng như các hệ thống  thiết bị điện tử khác.


Thac si Ngo Duc Hoang.jpg


Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng phát biểu tại hội nghị


Thành công ở tính sáng tạo


TH7150 là chip đầu tiên của ICDREC có công dụng quản lý nguồn năng lượng nhằm gia tăng độ tin cậy khi hoạt động cho các vi mạch hoặc hệ thống khác. Đây cũng là một sản phẩm hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiết kế vi mạch analog giữa ĐHQG Tp.HCM và Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

Ưu điểm nổi bật là chip hoạt động với công suất thấp, mức điện áp cung cấp thấp và cung cấp nhiều giải pháp kiểm soát điện áp ngõ ra. Ngoài ra, TH7150 còn cung cấp các tính năng tiên tiến như có chức năng bảo vệ quá dòng hoặc ngắn mạch, chức năng bảo vệ quá nhiệt và giám sát mức điện áp ngõ ra – hạn chế khả năng mức điện áp ngõ ra giảm quá 10%. Ba chức năng này đảm bảo hoạt động tại ngõ ra luôn ổn định và tránh các hư hại do ảnh hưởng của quá nhiệt hay quá dòng.

 

Theo ông Ngô Đức Hoàng, kỹ thuật thiết kế vi mạch analog rất khác biệt so với kỹ thuật thiết kế vi mạch số (digital). Việc thiết kế vi mạch analog khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn rất nhiều so với thiết kế vi mạch digital. Những tính năng mà TH7150 có được là rất mới. Hiện các thiết kế ngày nay trên thế giới, không có nhiều đề tài thành công với các tính năng này, nhưng các nhà khoa học của Việt Nam đã làm được và điều này kiểm chứng trên thực tế hoạt động của chip.

 

Phạm vi ứng dụng rộng

 

TH7150 là vi mạch quản lý nguồn năng lượng với điện áp ngõ ra có khả năng lập trình được để tạo các mức điện áp khác nhau (1.8V, 2.5V, 2.85V và 3.0V). Ngoài ra, mức điện áp ngõ ra còn có thể điều chỉnh bằng điện áp hoặc bằng điện trở. Đây là loại chip vi mạch quản lý năng lượng dạng ổn áp, có chức năng điều khiển cho phép hoạt động, đưa ra các tín hiệu cảnh báo quá dòng (tải), quá nhiệt và tín hiệu báo trạng thái hoạt động của mạch để bảo vệ thiết bị đầu cuối khi xảy ra sự cố.

 

TH7150 có mức hạ áp thấp, các mức điện áp ngõ ra có thể được lập trình bằng cách điều khiển tín hiệu logic, tinh chỉnh bằng điện áp hoặc điện trở, có khả năng lái dòng tải lớn (500mA), tương đương các loại vi mạch ổn áp đang được ứng dụng rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Hiện tại, ICDREC chưa đặt nặng vấn đề thương mại hoá chip TH7150 nhưng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hoàn chỉnh dự án đưa vào sản xuất đại trà chip TH7150 và mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư của chương trình quốc gia tiết kiệm năng lượng và các công ty thuộc lĩnh vực năng lượng truyền tải điện.

 

ThS Ngô Đức Hoàng cho biết, ICDREC cũng đã xây dựng được một số ứng dụng mẫu để chứng tỏ khả năng làm việc của chip TH7150 như mạch nạp từ nguồn pin mặt trời, trong thiết bị đèn đường giao thông mạch quang báo, tiết kiệm năng lượng và đặc biệt ứng dụng chip TH1750 trong vai trò quản lý năng lượng.

 

Thúy Hằng (st)