Chủ nhật, 24/11/2024 | 16:57 GMT+7
Một nhóm các nhà khoa học Hàn Quốc đã chế tạo thành công một loại polime được sử dụng để sản xuất các loại chất dẻo dùng trong đời sống hàng ngày dựa trên công nghệ sinh học, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu này có thể giúp sản xuất ra loại chất dẻo thân thiện hơn với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học và ít độc hại hơn. Polyme là các phân tử được tìm thấy trong đời sống hàng ngày dưới dạng các chất dẻo và cao su. Nhóm nghiên cứu thuộc Viện KH&CN tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) và các nhà hóa học tại công ty hóa chất LG Chem do giáo sư Sang Yup Lee đứng đầu đã định hướng nghiên cứu của họ vào axit polylactic (PLA), một loại polyme sinh học được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tự nhiên và có thể tái tạo được.
Giáo sư Lee giải thích: “Các polyeste và các polyme khác chúng ta sử dụng hàng ngày chủ yếu xuất phát từ các loại dầu mỏ hóa thạch được thực hiện thông qua các nhà máy lọc hoặc xử lý hóa chất. Ý tưởng về sản xuất polyme từ sinh khối có thể tái tạo đã thu hút nhiều chú ý do sự quan ngại ngày càng tăng của các vấn đề môi trường và tính hạn chế của các nguồn tài nguyên hóa thạch. PLA được xem là một lựa chọn tốt đối với chất dẻo sản xuất từ dầu mỏ vì nó có khả năng phân hủy và có độc tính thấp”
Cho đến nay, PLA đã được sản xuất theo hai bước polyme hóa là lên men và xử lý hóa học, cả hai bước này đều phức tạp và tốn kém. Giờ đây, thông qua việc sử dụng kỹ thuật trao đổi chất của chủng vi khuẩn E.coli, nhóm nghiên cứu đã phát triển quy trình một giai đoạn gồm sản xuất axit polylactic và các polyme của nó bằng lên men trực tiếp. Phương pháp này tạo ra một sản phẩm có thể tái tạo của PLA và các polyme có chứa lactat rẻ hơn và sẵn có trên thị trường.
Theo GreenBiz.vn