Thứ bảy, 11/01/2025 | 18:55 GMT+7

Hướng tới công nghệ xanh

18/05/2010

Sử dụng những giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh đang trở thành giải pháp được một số nhà cung cấp công nghệ và doanh nghiệp ứng dụng hướng đến trong mục tiêu phát triển bền vững. Những giải pháp công nghệ xanh này cũng góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến sự biến đổi khí hậu.

Sử dụng những giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh đang trở thành giải pháp được một số nhà cung cấp công nghệ và doanh nghiệp ứng dụng hướng đến trong mục tiêu phát triển bền vững. Những giải pháp công nghệ xanh này cũng góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến sự biến đổi khí hậu.


cuocdua2.JPG


Thông qua một kết quả khảo sát, ông Denis Brunetti, Phó tổng giám đốc Công ty Ericsson Việt Nam, cho biết lĩnh vực viễn thông thuộc nhóm công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT - TT) sẽ tạo ra khoảng 2% lượng khí CO2 trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Smart2020, ngành này lại có khả năng giúp giảm 15% tổng lượng khí thải do các ngành công nghiệp khác tạo ra nhờ cung cấp được những giải pháp công nghệ xanh.


Từ vai trò của nhà cung cấp dịch vụ


Từ năm 2008, nhà sản xuất thiết bị và hạ tầng viễn thông Ericsson đã đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải CO2 trong vòng năm năm tới đối với các sản phẩm, giải pháp của mình. Năm ngoái, Ericsson đã giảm được 10% khí thải trong mục tiêu đặt ra nói trên. Hiện tập đoàn này đã hướng đến việc chuyển các giải pháp và thiết bị viễn thông do mình cung cấp thành các giải pháp và sản phẩm xanh.


Cụ thể, Ericsson đã áp dụng tính năng tiết kiệm năng lượng cho các trạm thu và phát sóng bằng cách tự động chuyển sang chế độ chờ (stand by) khi không sử dụng, hoặc thiết kế các sản phẩm có tính năng chịu nhiệt cao để không cần sử dụng thiết bị làm mát…


Trong vòng 10 năm qua, Ericsson đã xây dựng quy trình đánh giá vòng đời sản phẩm nhằm nghiên cứu lượng khí thải ra trong toàn bộ chu trình sản phẩm của mình từ công đoạn thiết kế, chế tạo đến vận hành trên thị trường. Việc này cho thấy, tới năm 2008, giải pháp của Ericsson đã làm giảm được lượng khí thải tính trên một đơn vị khách thuê bao của mạng di động sử dụng công nghệ GSM, chỉ còn 20 kg so với mức 90 kg vào năm 1992.


Không chỉ Ericsson, tại Việt Nam hiện có khá nhiều nhà cung cấp các giải pháp công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng. Hãng Juniper Networks vừa cung cấp hệ thống giải pháp hạ tầng mạng mới cho các nhà cung cấp dịch vụ di động.


Ông Russell Skingsley, kỹ sư tư vấn hệ thống của Juniper Networks Việt Nam, cho biết giải pháp hạ tầng mạng mới này được hãng thiết kế nhằm tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. So với giải pháp trước đây, giải pháp công nghệ mới này cho phép tiết kiệm 75% điện năng.


Có nhiều công ty đã đầu tư sản xuất những sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời). Công ty cổ phần quốc tế Kim Đỉnh đã ứng dụng một số kỹ thuật cao trong việc chế tạo những thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo như tua-bin điện gió sử dụng công nghệ từ trường cao; pin năng lượng mặt trời có thiết bị bán dẫn, chuyển quang năng sang điện năng; hệ thống phát điện kết hợp năng lượng gió và mặt trời…


Đèn đường sử dụng năng lượng tái tạo của Kim Đỉnh đã được lắp đặt tại cầu sông Hàn, Đà Nẵng. Tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hệ thống đèn sử dụng kết hợp năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng đã được lắp đặt và sử dụng có hiệu quả.


Hãng Intel cũng mới cung cấp các bộ vi xử lý mới có công nghệ tăng tốc và tự động điều chỉnh tốc độ xử lý đáp ứng cho nhiều ứng dụng, đồng thời giúp tiết kiệm điện năng khi chỉ sử dụng những ứng dụng nền.


Hãng CMS đã đưa ra thị trường dòng máy tính xách tay Z light sử dụng bộ vi xử lý tiết kiệm điện năng, giúp kéo dài thời gian sử dụng pin thêm 70% so với thông thường. Ngoài ra, các hãng IBM, EMC, HP, Lenovo, Dell… thời gian gần đây cũng đã cho ra mắt ngày càng nhiều những hệ thống máy chủ tiết kiệm năng lượng.


...đến nhu cầu của doanh nghiệp ứng dụng


Những giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng ra đời đúng vào thời điểm thế giới đề cập nhiều đến sự biến đổi khí hậu và tại Việt Nam vấn đề này cũng nhận được sự phản hồi từ các doanh nghiệp ứng dụng, trong bối cảnh giá điện ngày một tăng.


Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết từ hai năm nay doanh nghiệp này đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ xanh, trong đó có những trạm thu và phát sóng (BTS) cho mạng di động ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tính năng tự động chuyển mạng sang chế độ chờ khi không sử dụng đã giúp trạm BTS giảm được 25% số năng lượng tiêu hao.


Ông Denis Brunetti cho biết việc ứng dụng các giải pháp công nghệ xanh đã giúp cho mạng di động Telstra (Úc) tiết kiệm 60% năng lượng sử dụng cho mỗi số thuê bao.


Ngoài các mạng điện thoại di động, hiện các công ty cung cấp dịch vụ số liệu (cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, dịch vụ bảo mật…) cũng đã đầu tư cho giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng.


Công ty cổ phần Dịch vụ Số liệu toàn cầu (GDS) – liên doanh giữa Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và NTT của Nhật Bản – cho biết ngay từ khi đi vào hoạt động (tháng 10-2009) doanh nghiệp đã rót kinh phí vào các thiết bị trung tâm dữ liệu tiết kiệm năng lượng. Ước tính, việc tiết kiệm chi phí điện năng 20-30% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí vận hành trong hoạt động của công ty.


Trong lĩnh vực tài chính, một số ngân hàng trong nước cũng đã ứng dụng các công nghệ mới giúp tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí đầu tư. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã ứng dụng công nghệ điện toán lưới cho phép nối nhiều máy chủ với nhau theo cấu trúc hai máy chủ cùng chạy song song cho hệ thống ngân hàng lõi.


Với cấu trúc này, hệ thống phần mềm ngân hàng lõi của SeABank bảo đảm hoạt động liên tục và luôn sẵn sàng. Sau đó, SeABank triển khai thêm hệ thống chuyển mạch thẻ cũng trên hai máy chủ này. Khi lượng giao dịch gia tăng SeABank đã phải trang bị thêm máy chủ chạy đồng thời thứ ba, và trên hệ thống điện toán lưới chạy cùng một lúc ba máy chủ, SeABank đã cài đặt thêm ứng dụng ngân hàng trực tuyến.


Theo đánh giá của ông Kaleem, Giám đốc kiến trúc giải pháp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Oracle, việc sử dụng nhiều ứng dụng trên cùng một hệ thống điện toán lưới (grid) sẽ tiết kiệm được một nửa chi phí (điện năng và chi phí đầu tư).


Theo: TBVTSG