Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:51 GMT+7
Thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người thì ai cũng biết. Nhưng với phát hiện mới của Đại học Thomas Jefferson (Mỹ), cây thuốc lá sẽ làm cho người ta nghĩ khác, nhất là khi nó được biến đổi gien để có thể chiết xuất thành nhiên liệu sinh học.
Sau nhiều năm âm thầm nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm Công nghệ Sinh học, Đại học Thomas Jefferson (Mỹ) bất ngờ công bố công trình đột phá của mình trên tạp chí Plant Biotechnology Journal - biến cây thuốc lá thành nhiên liệu sinh học.
Nhờ công nghệ biến đổi gien, loài cây vốn gây nhiều vấn đề sức khỏe đối với con người có thể trở thành nguồn cung cấp nhiên liệu sinh học cho các động cơ. Theo GS.TS sinh học Vyacheslav Andrianov và các đồng sự, cây thuốc lá không những có thể dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học, mà còn hiệu quả hơn nhiều so với các cây nông nghiệp, cung cấp tư duy mới giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm cách biến đổi
gien cây thuốc lá, sao cho
chiết xuất được nhiều dầu từ lá cây, mở đường để biến loại cây này thành
nhiêu
liệu sinh học.
Bản thân lá của cây thuốc lá không thể trực tiếp cung cấp động lực, nhưng dầu và đường được chiết xuất từ chúng mới chính là nhiên liệu thực thụ, dùng để chế tạo xăng, dầu sinh học. Tuy nhiên, phần lớn dầu nằm trong hạt. Dầu từ hạt cây thuốc lá đã được thử nghiệm để sử dụng như nhiên liệu chạy động cơ diesel, nhưng cây thuốc lá có quá ít hạt, chỉ khoảng 600kg mỗi ha. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm cách biến đổi gien cây thuốc lá, sao cho chiết xuất được nhiều dầu từ lá cây, mở đường để biến loại cây này thành nhiêu liệu sinh học.
Lá cây thuốc lá thường chỉ chứa từ 1,7 đến 4% dầu khi phơi khô. Nhưng các nhà nghiên cứu đã biến đổi cây bằng cách đưa vào đó một trong hai gien: gien diacyglycerol acytransferase (DGAT) hoặc gien LEAFY COTYLEDON 2 (LEC2). Gien DGAT sẽ cho thêm khoảng 5,8% dầu trong lá cây khô, tức gấp đôi bình thường. Còn gien LEC2 có thể cho thêm đến 6,8% dầu trong lá cây khô.
Ông Andrianov khẳng định: “Dựa trên những dữ liệu này, thuốc lá là một loại cây năng lượng hấp dẫn và đầy hứa hẹn, có thể dùng sản xuất nhiên liệu sinh học, nhất là cây này không dùng để làm ra thực phẩm. Chúng tôi còn tìm ra cách biến đổi gien để lá cây chiết xuất được nhiều dầu hơn, có thể gấp 20 lần”.
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng thuốc lá đã giảm khoảng 1,5% trên toàn thế giới trong vòng 10 năm qua. Riêng tại Mỹ, sản lượng giảm tới 39% trong cùng thời kỳ do chính phủ khuyến khích nông dân chuyển đổi sang những loại cây trồng khác.
Mặc dù phải 5 năm nữa việc trồng cây thuốc lá biến đổi gien để sản xuất nhiên liệu sinh học mới có thể trở thành hiện thực, song ông Andrianov khẳng định, những người trồng thuốc lá hiện đều tỏ rõ quan tâm tới các cơ hội của họ.
Thanh Bình (Theo Plant Biotechnology Journal)