Thứ năm, 26/12/2024 | 21:25 GMT+7
Ngân hàng thế giới (WB) mới đây đã khuyến cáo Trung Quốc và Đông Nam Á cần tăng thêm 1600 tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm làm chậm tốc độ tăng khí thải nhà kính trong vòng 20 năm tới.
Mặc dù khu vực này đã có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD mỗi năm để thúc đẩy hiệu quả năng lượng, phát triển công nghệ và năng lượng tái tạo. Nhưng theo Ngân hàng thế giới nỗ lực này là chưa đủ để giữ lượng khí thải CO2 – nguyên nhân làm trái đất nóng lên – không tăng gấp đôi trong 20 năm nữa.
Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới cũng là quốc gia thải nhiều khí nhà kính nhất sẽ phải gánh 80% số tiền 80 tỷ USD cần thêm hàng năm để ổn định mức thải khí CO2 vào năm 2025 và tiến đến giảm mức khí thải vào năm 2030, cơ quan này cho biết.
Trong một báo cáo của mình, Ngân hàng thế giới cho rằng: “Cánh cửa cơ hội đang khép lại nhanh chóng và nếu cứ tiếp tục trì hoãn, khu vực này sẽ bị mắc kẹt lâu dài trong hệ thống cơ sở hạ tầng với tỷ lệ thải khí CO2 cao”.
Ngân hàng Thế giới trông đợi rằng 25 tỷ USD trong khoản đầu tư tăng thêm hàng năm sẽ được tài trợ từ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của các nước phát triển cũng như từ các tổ chức đa quốc gia.
Theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận Pew Charitable Trusts, trong năm ngoái Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư vào năng lượng sạch lớn nhất thế giới mặc dù vẫn ở dưới mức Ngân hàng thế giới kêu gọi. Nguồn vốn đầu tư và tài trợ cho năng lượng sạch của quốc gia này tăng lên mức 34,6 tỷ USD vào năm 2009 trong tổng số 162 tỷ USD của toàn thế giới. Hoa Kỳ đứng thứ hai với mức đầu tư 18,6 tỷ USD.
Ngân hàng thế giới khuyến khích các quốc gia khu vực này theo đuổi các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, địa nhiệt và năng lượng mặt trời nhằm giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu và than đá.
Cơ quan này kêu gọi chính phủ các nước
Ngân hàng thế giới cũng cho rằng chính phủ các nước trong khu vực nên thận trọng khi lên kế hoạch mở rộng các thành phố nhằm tránh sự lan rộng đô thị thiếu hiệu quả. Có khoảng 300 triệu người dân vùng nông thôn Trung Quốc được dự đoán sẽ di cư vào thành phố trong vòng 15 năm tới.
Hồng Nhung theo (businessweek.com)