Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:15 GMT+7

Châu Âu coi rác là nguồn năng lượng sạch

28/04/2010

Với những cải tiến công nghệ, Đan Mạch ngày nay coi rác là nguồn nhiên liệu thay thế sạch hơn là những chất bốc mùi khó coi. Những lò đốt chuyển chất thải thành năng lượng đã đạt được một vị thế đáng kể khi có nhiều cộng đồng như Horsholm đấu tranh đòi xây dựng chúng tại địa phương mình.

Tại thành phố Horsholm, Đan Mạch, một nhà máy năng lượng lớn hoạt động liên tục để đốt cháy hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt và công nghiệp mà không sợ lời phàn nàn của người dân sống gần đó.

Những lò đốt này sạch hơn lò truyền thống và có thể chuyển rác thải thành nhiệt lượng và điện năng. Chúng được trang bị hàng chục bộ lọc chất gây ô nhiễm, kể cả thủy ngân và điôxin – các chất mà lò truyền thống cách đây chục năm không thể lọc được.

Những nhà máy như vậy đã và đang trở thành nơi xử lý rác chủ yếu và là nguồn nhiên liệu sống còn của Đan Mạch, từ những vùng ngoại ô giàu có như Horsholm đến trung tâm thủ đô Copenhagen. Chúng không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất năng lượng và sự phụ thuộc vào xăng dầu mà còn thân thiện với môi trường, giúp thu hẹp các bãi rác và giảm khí thải CO2. Các nhà máy xử lý rác rất sạch và thải ít chất đioxin hơn là từ các lò sưởi và lò nướng thịt!

Kran_med_affald_MK_B.jpg

Với những cải tiến công nghệ, Đan Mạch ngày nay coi rác là nguồn nhiên liệu thay thế sạch hơn là những chất bốc mùi khó coi. Những lò đốt chuyển chất thải thành năng lượng đã đạt được một vị thế đáng kể khi có nhiều cộng đồng như Horsholm đấu tranh đòi xây dựng chúng tại địa phương mình.

Hiện nay Đan Mạch có 29 lò đốt kiểu này phục vụ 98 thành phố trên cả nước với 5,5 triệu dân và 10 lò nữa đang được xây dựng hoặc thiết kế. Toàn vùng Châu Âu có khoảng 400 lò đốt rác, trong đó Đan Mạch, Đức và Hà Lan dẫn đầu về tỉ lệ mở rộng và xây mới nhà máy.

Đối lập với Châu Âu, cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ cho biết chưa có lò đốt chuyển rác thành năng lượng nào sẽ được xây mới tại nước này mặc dù 24 bang và chính quyền liên bang đã coi rác là một nguồn nhiên liệu tái tạo. Tại đất nước 300 triệu dân này chỉ có 87 nhà máy điện đốt rác thải và hầu hết đều được xây dựng từ 15 năm trước. Thay vào đó, các bãi rác thải nằm ở vùng hẻo lánh vẫn là lựa chọn số một của nước Mỹ. Chỉ riêng thành phố New York đã đóng góp 10500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày cho các bãi rác vùng Ohio và Nam Carolina. Vậy tại sao người Mỹ lại không hào hứng với nhà máy điện đốt rác?

Ông Matt Hale, giám đốc Văn phòng bảo tồn và tái tạo tài nguyên thuộc Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ cho rằng nhà máy điện đốt rác không phổ biến là do Mỹ vẫn còn một lượng lớn các bãi rác giá rẻ, quan chức bang sợ rằng các nhà máy điện này sẽ cạnh tranh với chương trình tái chế rác thải và “sự phản đối của công chúng”. Tại Mỹ, mỗi bang và thành phố tự trị đều được tự quyết định phương pháp xử lý rác của riêng mình. Các nhóm bảo vệ môi trường phản đối quyết liệt việc xây dựng các nhà máy điện kiểu này. Bà Laura Haight, nhà bảo vệ môi trường cấp cao của Nhóm nghiên cứu vì lợi ích công chúng tại New York cho rằng việc coi rác là một nguồn năng lượng sạch là không hợp lý và thay vào đó chính phủ nên thúc đẩy chương trình tái chế. “Một khi các nhà máy điện đốt rác được xây dựng, nó cần phải có nhiều nguyên liệu: rác thải. Trong khi đó chúng tôi đang kêu gọi giảm lượng rác thải xuống mức thấp nhất.”

Thái độ của người dân Đan Mạch lại khác người Mỹ. Các nhà máy điện đốt rác được đặt gần nơi chúng cung cấp điện để truyền tải điện năng hiệu quả hơn bất kể vùng đó giàu hay nghèo. 80% lượng nhiệt và 20% nhu cầu điện năng của Horsholm được tạo ra từ rác. Điều đặc biệt là nhiều nước đang đẩy mạnh sản xuất năng lượng từ rác thải như Đan Mạch và Đức cũng có tỷ lệ tái chế cao nhất. Chỉ có những chất thải không thể tái chế mới được đem đi đốt.

Theo một nghiên cứu năm 2009 của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, mặc dù các bãi rác thải tiên tiến nhất có thể thu khí mêtan thoát ra từ rác phân hủy để phát điện, chúng vẫn thải ra lượng khí làm nóng khí hậu gấp hai lần so với nhà máy điện đốt rác trên mỗi đơn vị điện được tạo ra. Khí mêtan thoát ra từ bãi rác thải tác động đến sự nóng lên của trái đất gấp 20 lần khí CO2 tạo ra do đốt rác. Nghiên cứu cũng kết luận rằng nhà máy điện đốt rác thải ra ít chất gây ô nhiễm hơn một bãi rác thải hiện đại nhất đồng thời có thể phát ra năng lượng nhiều gấp 9 lần.

Tại châu Âu, Luật Môi trường đã thúc đẩy sự phát triển của chương trình biến rác thành năng lượng. Cộng đồng chung Châu Âu nghiêm khắc hạn chế xây dựng các bãi rác thải mới và mỗi nước trong khối đã cam kết cắt giảm khí thải CO2 vào năm 2012 theo Hiệp định thư Kyoto mà Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn.

Tại Horsholm, chỉ có 4% rác thải được đưa vào bãi rác; 1% hóa chất, sơn và thiết bị điện tử được đưa vào các “nơi chứa đặc biệt” giống như mỏ muối bỏ hoang của Đức. 61% chất thải của thành phố được tái chế và 34% được đốt tại các nhà máy điện.

Ở Đan Mạch, chính quyền địa phương tổ chức thu rác thải, vận hành các lò đốt rác và trung tâm tái chế (tại Mỹ, hầu hết các nhà máy điện đốt rác đều thuộc sở hữu tư nhân). Họ cũng đưa ra luật và các biện pháp hỗ trợ tài chính để chắc rằng các chất liệu có thể tái chế không bị đem đốt. Người dân có thể tự do đưa chất thải đến trung tâm tái chế nhưng họ phải trả phí nếu muốn rác của mình được đốt tại các nhà máy điện.

Hồng Nhung