Thứ tư, 08/01/2025 | 22:24 GMT+7
Với tốc độ ngang bằng một chiếc xe đạp nhanh, chiếc máy bay năng lượng mặt trời đã cất cánh lần đầu tiên vào ngày 7/4/2010 tại Thụy Sỹ. Nó đã vượt qua cuộc bay thử nghiệm có ý nghĩa quan trọng để hướng tới một chuyến hành trình lịch sử: vòng quanh thế giới mà không sử dụng một chút nhiên liệu nào.
Chiếc máy bay mang tên Hướng tới mặt trời đã cất cánh từ một sân bay quân sự với vận tốc 45 km/h. Nó chầm chậm nâng độ cao lên và từ từ mất hút phía chân trời trước sự chứng kiến của người dân đứng trên những quả đồi gần đó.
So sánh giữa chiếc Sola impulse năng lượng mặt trời và chiếc airbus 380
Ông Bertrand Piccard, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án, không giấu nổi niềm phấn khởi: “Trước đây chưa từng có chiếc máy bay vừa lớn, nhẹ lại vừa tốn ít năng lượng như thế cất cánh thành công. Chúng tôi đã vượt qua được một câu đố hóc búa.”
Trong suốt chuyến bay kéo dài 90 phút, chiếc máy bay đã hoàn thành một loạt động tác quay vòng nhờ đôi cánh màu đen trắng rộng như cánh của một chiếc phản lực airbus 380. Nó đã đạt được độ cao khoảng 1,6 km so với vùng đồng quê Thụy Sỹ.
Chiếc máy bay gồm 12000 tế bào năng lượng mặt trời, bình ácquy lithi có thể nạp lại và bốn động cơ điện, Piccard cùng lái phụ Andre Borschberg dự định bay vòng quanh thế giới vào năm 2012. Họ sẽ phải đo đạc thời tiết chính xác để chắc rằng máy bay đang bay vào vùng thời tiết đẹp nhất. Ở mỗi lần hạ cách giữa chặng, họ sẽ nhận được sự trợ giúp của phi hành đoàn dưới mặt đất. Piccard cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là thực hiện một chuyến bay cả ngày lẫn đêm không cần dùng nhiên liệu. Chúng tôi muốn biểu trưng tầm quan trọng của năng lượng tái tạo và chứng minh rằng với năng lượng tái tạo chúng ta có thể làm được những điều không thể.”
Ông gọi chuyến bay thử vừa qua là đỉnh cao của bảy năm miệt mài với dự án: “Hai giờ vừa qua là hai giờ tràn đầy cảm xúc. Chiếc máy bay đã hạ cánh nhưng chúng tôi vẫn còn đang bay.”