Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:15 GMT+7

Biến nước thải thành điện

24/02/2010

Ba chàng kính cận lớp 11 Trường chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM đã qua mặt các học sinh THPT Nguyễn Thị Minh Khai và THPT Bùi Thị Xuân, ẵm giải nhất trong cuộc thi “Đồng hành cùng năng lượng năm 2009”. Cuộc thi do Công ty Điện lực TP.HCM và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM phối hợp tổ chức.

Kẹt xe, nhà cao tầng, nước thải, điện

Gặp nhau khi cùng tham gia các hoạt động trong dự án khoa học của một số trường THPT trong thành phố, Hoàng Minh (lớp 11 chuyên tin) rủ rê hai bạn Việt Hùng và Minh Mẫn (lớp 11 chuyên Anh) thành lập nhóm “Tương lai xanh” tham dự cuộc thi “Đồng hành cùng năng lượng 2009”.

“Trong một buổi chiều tan học, xe cộ đông nghẹt, Minh không thể di chuyển được chút nào. Minh ngước lên nhìn mấy chung cư cao tầng gần đó thấy nước thải theo các đường ống lớn cứ tuôn thẳng xuống lòng đất. Một câu hỏi bật ra trong đầu: tại sao không tận dụng lực sinh ra do nước thải từ trên cao đổ xuống để quay tuôcbin lắp ngay bên dưới tòa nhà cao tầng để sản xuất ra điện nhỉ?”- Hoàng Minh nhớ lại hoàn cảnh ra đời của ý tưởng.

Ý tưởng “xanh”

Ý tưởng nảy ra trong hoàn cảnh ngộ nghĩnh đó ngay lập tức được Hùng và Mẫn tán thành. Cả ba bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và viết bài dự thi.

Tạo ra nguồn điện là phức tạp, nhưng khi ba cậu học sinh thực hiện với quy mô nhỏ lại cực kỳ đơn giản. Thú vị hơn khi các bạn biết thêm các nhà máy thủy điện chỉ được ứng dụng tại hạ lưu các con sông. Hệ thống thủy điện mini của nhóm “Tương lai xanh” hoạt động trên nguyên lý chuyển thế năng của nước thải từ trên cao đổ xuống thành điện năng phục vụ các hoạt động của tòa nhà.

“Tùy vào quy mô của hệ thống mà lượng điện thu được sẽ nhiều hay ít. Lượng điện này có thể dùng để chạy máy bơm nước sinh hoạt hằng ngày hoặc nạp vào ăcquy để sử dụng cho các mục đích khác. Như vậy sẽ tiết kiệm được một lượng lớn năng lượng dùng đưa nước lên các tầng cao” - Việt Hùng cho biết.

Vì sử dụng nước thải nên các bạn trẻ còn thiết kế thêm bộ phận lọc rác trong hệ thống thủy điện mini của mình.

Minh Mẫn nói thêm: “Ngoài các tòa nhà cao tầng, mình còn có thể ứng dụng hệ thống thủy điện này ở cuối hệ thống thải của nhà máy, xí nghiệp hay cuối hệ thống thải cả thành phố”.

Dù ban tổ chức chỉ đòi hỏi mỗi đội thi thuyết minh ý tưởng tiết kiệm năng lượng bằng PowerPoint, nhưng các bạn nhóm “Tương lai xanh” quyết tâm làm thêm mô hình thực tế để minh họa.

“Ý tưởng chỉ là lý thuyết mà nghiên cứu khoa học lại cần có tính thực tiễn cao, nên cả nhóm quyết tâm tạo ra bằng được mô hình tuôcbin để thử nghiệm. Đó mới là thực tế khoa học” - Việt Hùng nói chắc nịch.

Ý tưởng biến nước thải thành điện qua hệ thống thủy điện mini không những tiết kiệm năng lượng, tạo ra nguồn năng lượng sạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Với những ý nghĩa đó, ban giám khảo cuộc thi “Đồng hành cùng năng lượng 2009” đánh giá rất cao tính sáng tạo, khả thi và quyết định trao giải nhất cho ý tưởng này của nhóm “Tương lai xanh”.

“Tụi mình đều ham mê khoa học và thích nghịch phá đồ điện tử từ nhỏ, thấy máy móc là muốn mở bung ra xem bên trong có gì. Không ngờ lần đầu tiên cả ba đứa cùng làm nên một cái gì đó mà đoạt được giải nhất. Các thầy cô còn khuyến khích tụi mình đem ý tưởng này đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Đó là động lực thúc đẩy nhóm đầu tư thêm, hoàn thiện hệ thống thủy điện mini và bước tiếp vào những cuộc thi sắp tới” - Hoàng Minh cười rạng rỡ.

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online)