Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:38 GMT+7

Nâng cao hệ số công suất : Biện pháp tiết kiệm điện đơn giản mà hiệu quả

18/05/2007

Để đẩy mạnh việc thực hiện triệt để chủ trương sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực TPHCM đã cùng UBND TPHCM phối hợp triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như cắt giảm 50% đèn chiếu sáng công cộng; cắt giảm 50% đèn quảng cáo, trang trí, chiếu sáng công viên và kết hợp giảm thời gian chiếu sáng còn từ 18 giờ 30 đến 5 giờ 30 sáng; tiết kiệm 10% so với cùng kỳ đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp; vận động tuyên truyền trên các báo, đài, phát tờ rơi, poster, treo băng rôn, phát chỉ thị tiết kiệm điện… đến nhiều đối tượng sử dụng điện như các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tòa nhà, các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình để nâng cao nhận thức và thực hành việc sử dụng điện tiết kiệm… Bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, một giải pháp khác cũng rất đơn giản mà hiệu quả tiết kiệm điện cũng rất lớn đó là giải pháp nâng cao hệ số công suất phụ tải.

Về mặt kỹ thuật, hệ số công suất là tỷ số giữa công suất tác dụng và công suất biểu kiến. Công suất tác dụng là công suất thực cần thiết cho các thiết bị sử dụng, còn công suất biểu kiến thường lớn hơn công suất thực, là công suất truyền tải trên đường dây điện đến thiết bị sử dụng.

Hệ số công suất càng lớn thì công suất tác dụng càng gần bằng công suất biểu kiến, hiệu quả sử dụng càng cao hơn.

Trên thực tế, thống kê trong tháng 4-2007 toàn thành phố có 1.964 khách hàng sử dụng điện với mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ qua trạm riêng có công suất từ 100kVA hoặc công suất sử dụng từ 80kW trở lên có hệ số công suất tại điểm đo đếm cosj< 0,85 phải mua công suất phản kháng với số tiền tương ứng là 4,89 tỷ đồng. Do đó nếu các đơn vị này thực hiện bù công suất phản kháng để nâng cao cosj sẽ giúp giảm chi phí do không phải mua công suất phản kháng từ lưới điện.

Ví dụ: Một cơ sở sản xuất sử dụng điện vào giờ bình thường có công suất sử dụng trung bình là 200kW, điện năng tiêu thụ trung bình 48.000kWh/tháng, hệ số công suất tại điểm đo đếm là cosj= 0,8.

+ Tiền mua điện năng tác dụng trong 1 tháng:

Ta = 48.000(kWh)*895(đồng/kWh) = 42.960.000 đồng

+ Tiền mua công suất phản kháng là (do cosj = 0,8 < 0,85):

Tp = Ta*k% = 42.960.000*6,25/100 = 2.685.000 đồng

Trong đó k% = 6,25% (ứng với cosj = 0,8 theo hướng dẫn tại Thông tư 07/2006/TT-BCN ngày 27-10-2006 của Bộ Công nghiệp) là hệ số bù chi phí do bên mua điện sử dụng quá lượng công suất phản kháng theo quy định.

Vậy tổng số tiền điện mà khách hàng phải trả hàng tháng là: 45.645.000 đồng. Nhưng nếu khách hàng đầu tư 3 bộ tụ bù hạ thế công suất 20kVAr/bộ để lắp đặt tại điểm đo đếm thì hệ số công suất lúc này sẽ là 0,91, khi đó khách hàng không phải trả tiền mua công suất phản kháng. Chi phí đầu tư 3 bộ tụ bù là hơn 3 triệu đồng.

Như vậy, nếu khách hàng này đầu tư lắp đặt tụ bù hạ thế thì trong vòng chưa đầy 2 tháng sẽ thu hồi được vốn và từ tháng thứ 3 trở đi, khách hàng sẽ tiết kiệm được khoảng tiền tương ứng khoảng 2,68 triệu đồng/tháng.

Về phía các hộ gia đình khó khăn trong việc cải thiện hệ số công suất thì nên sử dụng thiết bị điện hiện đại, hiệu suất cao, thiết bị điện có hệ số công suất lớn hoặc lắp đặt tụ bù để nâng cao hệ số công suất cosj.

Với cách làm này không những giảm chi phí tiền điện mà còn góp phần thực hiện tốt chủ trương sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Còn nhà sản xuất thiết bị sử dụng điện nên đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng thấy được hiệu quả khi sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao; tham gia chương trình dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng do Bộ Công nghiệp phát động.

Nguồn: SGGP