Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:43 GMT+7

Xe chạy bằng… rượu sake

18/05/2007

Một ngày nào đó các tài xế Nhật Bản có thể bơm đầy rượu sake vào xe mình để… chạy. Hiện một dự án tạo nhiên liệu từ rượu sake - loại rượu được làm từ gạo lên men - đang được thử nghiệm ở Shinanomachi, cách thủ đô Tokyo 200 km về phía tây bắc.

Một ngày nào đó các tài xế Nhật Bản có thể bơm đầy rượu sake vào xe mình để… chạy. Hiện một dự án tạo nhiên liệu từ rượu sake - loại rượu được làm từ gạo lên men - đang được thử nghiệm ở Shinanomachi, cách thủ đô Tokyo 200 km về phía tây bắc.

Tại nơi này, người ta nghe thoang thoảng trong không khí một mùi men-thơm tương tự mùi rượu sake chưa lọc. “Chúng tôi thích ý tưởng này. Nguồn nhiên liệu này có thể phục hồi… thay cho nhiên liệu hóa thạch hiện đang sắp cạn kiệt”, Shigehiro Matsuki, thị trưởng Shinanomachi nói.

Dự án kéo dài 3 năm này do chính phủ tài trợ, sẽ cung cấp rượu sake giá rẻ với sự giúp đỡ của các nông dân địa phương. Những nông dân này sẽ đóng góp chất thải nông nghiệp như vỏ trấu để sản xuất ethanol.

Nếu dự án này thu hút được các địa phương, nó có thể mở đường cho những nỗ lực tương tự trên khắp Nhật Bản, và khi ấy, “người ta sẽ được nhìn thấy những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu sinh học do Nhật sản xuất”, giáo sư Yasuo Igarashi thuộc Trường ĐH Tokyo, người đứng đầu dự án nói.

Nhật Bản, nước tiêu thụ xăng dầu lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu dầu thô và hiện đang bị ảnh hưởng bởi giá dầu tăng cao.

Với mục tiêu cắt giảm khí thải carbon theo nghị định Kyoto, nước này đang chuyển sang nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học. Hiện các tài xế tại Nhật vẫn xếp sau các tài xế ở châu Âu và Mỹ trong việc dùng nhiên liệu xanh.

Tuy nhiên để tạo ra 0,5 lít ethanol cần phải có 1 kg gạo, và đây vẫn là thách thức với những người tiến hành dự án trong việc tạo ra nhiên liệu sinh học giá rẻ có thể cạnh tranh với xăng dầu thông thường, hiện được bán với giá khoảng 135 yen (1,13 USD)/1 lít.

 

                                                                                                                                                                         Nguồn Reuters, Tuổi trẻ