Thứ sáu, 10/01/2025 | 02:12 GMT+7

Tạo nguồn năng lượng từ vi khuẩn trong ruột mối

04/08/2006

Mối là một trong những sinh vật gây hại nguy hiểm nhất trên thế giới. Mỗi năm, chúng ăn tới hàng triệu tấn gỗ. Hiện nay, các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu khả năng huỷ diệt của loài mối như một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng năng lượng của Mỹ.

Loại côn trùng này, với rất nhiều vi khuẩn trong ruột có thể là giải pháp cho một nguồn nhiên liệu vô tận. Bởi mối tiêu hóa được cả những sợi Xenlulo đã bị phân huỷ như gỗ. Xenlulo là thứ nhiên liệu thô có ở cành và thân cây.

Nhà nghiên cứu Jared Leadbetter thuộc Viện công nghệ California (Mỹ) đang nghiên cứu các enzymes có trong ruột con mối và nghiên cứu của ông cho thấy, quá trình mà những con mối tiêu hoá gỗ có thể là nguồn ethanol cho nhiên liệu. Một dạng năng lượng khác được tìm thấy như là sản phẩm phụ của quá trình mối tiêu hóa Xenlulo, đó là khí Hydro.

Theo Jared, các vi khuẩn sống trong ruột của mối có thể sản sinh ra khí Hydro khi mà Xenlulo đi qua bộ máy tiêu hóa. Bằng việc nhân rộng những Enzyme này trong phòng thí nghiệm và xây dựng một phương pháp thu hoạch, ông Jared tin rằng nó có thể tạo ra Ethanol hay khí Hydro từ quá trình tiêu hóa.

Hiện nay, một số phòng thí nghiệm đang nghiên cứu tập trung vào các Enzymes và làm thế nào để chuyển đổi vật liệu cây cối hay những chất thải sinh học rẻ tiền thành các loại đường lên men và khí Hydro.

Nếu khí Hydro này được thu gom lại, hoặc quá trình sản xuất khí được nhân rộng thì triển vọng có một nguồn nhiên liệu khí Hydro sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vài năm nữa. Khi đó, nguồn năng lượng cung cấp cho các phương tiện xe cộ chạy bằng khí Hydro sẽ ngày càng dồi dào hơn so với hiện nay khi mà khí Hydro chủ yếu được điều chế từ nước.

Sử dụng Enzym trong các ngành công nghiệp còn giảm thiểu tác hại của các hoá chất độc hại, ô nhiễm môi trường và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, phải mất từ một đến hai thập kỷ nữa thì nghiên cứu của họ mới có thể được ứng dụng rộng rãi.

 

(Nguồn: KHVN)