Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:26 GMT+7

Nghiên cứu định lượng tính khả thi của việc sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo quy mô công nghiệp ở Việt Nam

15/06/2006

(BCN)- Đề tài “Nghiên cứu định lượng tính khả thi của việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo quy mô công nghiệp ở Việt nam” do Viện Năng lượng là cơ quan chủ trì và điều phối tiến hành triển khai nghiên cứu. Đây là một trong những đề tài trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2001-2005, trong khuôn khổ “Nghiên cứu KH&CN phục vụ, nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản lý hiệu quả ngành Năng lượng”.

Đề tài có 3 hợp phần chính là: (1) Nghiên cứu định lượng tính khả thi của việc sử dụng NL mặt trời, thuỷ điện nhỏ và NL sinh khối quy mô công nghiệp; (2) Nghiên cứu xác định tính khả thi của việc đầu tư các công trình điện gió quy mô công nghiệp tại các vùng lựa chọn; và (3) Nghiên cứu xác định tính khả thi của việc sử dụng nguồn địa nhiệt - phục vụ phát triển các dự án quy mô công nghiệp tham gia vào cân bằng năng lượng Việt Nam. Mỗi hợp phần tương ứng trên được giao cho một cơ quan nghiên cứu độc lập để thực hiện đó là: (1) Viện Năng lượng; (2) Trung tâm Nghiên cứu NL & MT - Liên Hiệp các Hội KH&KT VN; (3) Viện Nghiên cứu Địa chất & Khoáng sản.
 
Để đạt được nhiệm vụ là định lượng tính khả thi của việc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo quy mô công nghiệp ở Việt nam, đề tài đã tiến hàng loạt các nội dung nghiên cứu, trong số nhưng nội dung chính đó là: (i) Nghiên cứu, phân tích, đánh giá và định lượng tiềm năng khả thực, tính khả thi các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tại các địa điểm cụ thể như: Mặt trời, thuỷ điện nhỏ, sinh khối, gió và địa nhiệt; (ii) Khả năng nội địa hoá các thiết bị NLTT; Nghiên cứu tính hiệu quả nguồn phát điện sử dụng NLTT trong hệ thống điện Việt Nam; và (iii) Nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển NLTT ở VN trong thời gian tới.
 
Cho đến nay, mặc dù nước ta có tiềm năng lớn và khá đa dạng về nguồn NL tái tạo nhưng đóng góp của chúng vào cân bằng NL quốc gia, đặc biệt sản xuất điện là không đáng kể (chỉ có 2.35 %, năm 2004).
 
Về NL mặt trời (NLMT): Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tiềm năng khả thực ứng dụng NLMT là rất lớn kể cả nhiệt và sản xuất điện năng. Căn cứ vào nhu cầu, một kịch bản đến 2015 đã được xây dựng để ứng dụng cho trên 3,8 triệu dàn đun nước nóng theo quy mô công suất, lượng điện năng tiết kiệm có thể đạt 3,4 tỷ KWh/năm. Công suất khả thực cho việc lắp đạt các dàn pin MT là 8.9 MW, mà đối tượng là cung cấp điện là cho các vùng dân cư ngoài lưới.  
 
Về Thuỷ điện nhỏ (TĐN): Tiềm năng khả thực TĐN (dưới 10 MW) được xác định trong dải 888- 900 MW với trên 3000 điểm trạm và khoảng 1 triệu điểm cho thuỷ điện cực nhỏ. TĐN được nhận diện là sẽ đáp ứng cho cả vùng ngoài lưới và nối lưới quốc gia. 
 
Về NL sinh khối (SK): Một danh sách các địa điểm tiềm năng cho áp dụng công nghệ đồng phát NL dựa trên nguồn SK có sẵn đã được xác định. Công suất điện có thể tham gia vào hệ thống điện từ nguồn này có thể đạt đến 400MW.
 
Về NL gió: Việc đánh giá tiềm năng NL gió từ việc đo gió ở độ cao từ 40-60m đã được triển khai. Các thông số về tốc độ gió, hướng gió, tần xuất gió ở độ cao này, kết hợp với công nghệ mới về tua bin gió, cho thấy tiềm năng điện gió của VN sẽ được khai thác đáng kể trong thời gian tới.
 
Về NL địa nhiệt: Đã xác định trên 30 điểm địa nhiệt có khả năng phát triển các dự án địa nhiệt quy mô công nghiệp. Bằng các phương pháp điều tra, đánh giá đề tài đã tính toán cho 32 điểm địa nhiệt triển vọng có khả năng khai thác địa nhiệt tham gia cân bằng NL với công suất có thể đạt 340  MW.
 
Cùng với việc đánh giá tiềm năng nguồn NLTT, thì việc phân tích tính khả thi theo 5 tuyến tiếp cận như: (i) Nguồn sơ cấp, (ii) Kỹ thuật & Công nghệ; (iii) Kinh tế & Tài chính; (iv) Môi trường & xã hội; và (v) Các chính sách hiện hành đã được tiến hành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tiềm năng lý thuyết NLTT sơ cấp ở nước ta rất lớn, song phần tiềm năng có thể khai thác bị hạn chế, bởi: Quy mô nhỏ; phân tán; suất đầu tư trên 1 kW còn cao; đối tượng là khu vực có thu nhập thấp. Hiện tại, suất đầu tư điện tái tạo ở VN thường cao hơn từ 1,3-1,5 lần, riêng điện MT hơn 7-8 lần so với điện thông thường. Thời gian vận hành các công trình NLTT ngắn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ - tính rủi do cao nên đã làm cho giá thành sản phẩm cao và chưa thể cạnh tranh bình đẳng được với các dạng NL truyền thống. Từ các kết quả nghiên cứu cụ thể. Việc đề xuất các giải pháp, các biện pháp chính sách đủ mạnh nhằm khai thác triệt để các nguồn NLTT cũng đã được thực hiện.
 
Ngoài những kết quả như nêu trên, một số các sản phẩm nghiên cứu khác cũng là thành quả nghiên cứu của đề tài được liệt kê đó là: 1) Lập bản đồ phân vùng tiềm năng NLMT; 2) Bản đồ vị trí các trạm TĐN có tiềm năng; 3) Bản đồ phân vùng tiềm năng NLSK; 4) Biểu đồ phân tần suất gió cho độ cao 40m và 60m; 5) Biểu đồ vận tốc gió của ngày điển hình cho 40m và 60m; và 6) Bảng đồ địa nhiệt VN tỷ lệ 1:1.000.000...Các sản phẩm này là cơ sở tốt cho việc quản lý, cập nhật và khai thác
 
Một số kết quả đã được áp dụng vào thực tế: Thiết kế hầm KSH quy mô lớn. Thiết kế này đã được áp dụng cho một số địa phương như xí nghiệp may VIEBA, thuộc khu công nghiệp Phố Nối – B, Hưng Yên. Xí nghiệp lợn hướng lạc tại Hải Phòng.
 
Các kết quả có khả năng, triển vọng áp dụng vào thực tế: Các địa điểm có tiềm năng lớn về NLTT như TĐN, MT, SK/KSH, gió, địa nhiệt đã được nhận dạng, nhất là vùng ngoài lưới có thể tiến hành các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu chuẩn bị và đầu tư. Việc đầu tư cho các dự án này có thể huy động đầu tư thông qua hợp tác quốc tế hoặc các chương trình, các dự án từ các Bộ, ngành khác nhằm đáp ứng được nhiều mục tiêu, bao gồm cả xoá đói giảm nghèo; Đề xuất các dự án điện tái tạo gắn với phát triển NL bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tham gia vào cân bằng NL quốc gia đã và đang được triển khai. Các số liệu, kết quả của đề tài bước đầu đã được khai thác và sử dụng trong ngành điện như: Đánh giá tiềm năng nguồn sơ cấp cho sản xuất điện ở VN, lập tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn VI.
TS. Phạm Khánh Toàn- Viện Năng lượng