Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:20 GMT+7

Máy biến áp tổn hao thấp giúp giảm 75% tổn thất điện năng

10/10/2023

Amorphous, máy biến áp tổn hao thấp được xem là công nghệ “xanh”, giảm đến 75% tổn thất điện năng so với các máy sử dụng lõi thép thông thường, vùa được ứng dụng trên lưới điện thành phố Đà Nẵng.

Với mong muốn nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý vận hành, thời gian qua Công ty Điện lực Đà Nẵng đã nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ mới thân thiện với môi trường. Trong đó, phải kể đến giải pháp ứng dụng máy biến áp Amorphous, giải pháp này mang lại nhiều lợi ích thực tế qua quá trình hoạt động.
Hiện, Công ty Điện lực Đà Nẵng đang quản lý, vận hành hơn 4.700 trạm biến áp phân phối, trong đó có gần 2.900 trạm điện dung lượng 1.100 MVA. Từ năm 2016, Công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng gần 1.500 máy biến áp tổn hao thấp. Đồng thời, theo dõi và đánh giá kết quả thực tế so với máy tiêu chuẩn thông thường trong công tác sản xuất kinh doanh và cả về mặt xã hội, cộng đồng.
Máy biến áp tổn hao thấp - công nghệ “xanh” ứng dụng trên lưới điện Đà Nẵng là loại máy Amorphous. Đây là máy biến áp được chế tạo bằng lõi thép đặc biệt, có hệ số tổn hao thấp. Với công nghệ cao, thân thiện môi trường, Amorphous giúp giảm được đến 75% tổn thất điện năng so với các máy sử dụng lõi thép thông thường.
Theo đó, việc ứng dụng Amorphous trên thực tế đã mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành lưới điện. Công ty Điện lực Đà Nẵng thống kê số liệu, từ khi áp dụng Amorphous tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 3,22% (năm 2016) xuống 2,21% (năm 2022); mức giảm trung bình 0,168%/năm, tương đương 4,6 triệu kWh/năm. Việc sử dụng các máy biến áp tổn hao thấp cũng góp phần làm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng qua việc làm giảm số sự cố do MBA cũ, kém chất lượng gây ra.
Máy biến áp Amorphous công nghệ “xanh” đang ứng dụng trên lưới điện thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Tổng Công ty Điện lực miền Trung)
Đến hết năm 2022, Amorphous giúp tiết kiệm được 150,1 triệu kWh so với máy biến áp tiêu chuẩn thông thường. Nếu lắp đặt toàn bộ máy biến áp tổn hao thấp này cho các trạm biến áp tài sản ngành điện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào năm 2026 (3.221 máy) thì ước tính sẽ tiết kiệm được đến 325,5 triệu kWh. Ngoài ra còn giảm được sự cố do máy biến áp cũ, kém chất lượng gây ra, tạo thêm niềm tin cho khách hàng sử dụng điện.
Từ việc giảm lượng điện năng tiêu thụ, việc sử dụng các MBA tổn hao thấp góp phần giảm lượng phát thải khí CO2 trung bình lên đến 2.423 tấn CO2/năm. Qua đó, PC Đà Nẵng góp một phần vào việc giảm sự nóng lên và biến đổi khí hậu toàn cầu do giảm được phát thải lượng khí nhà kính ra môi trường, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với những lợi ích đã được chứng thực qua quá trình thực hiện, thời gian tới, PC Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sử dụng những thiết bị điện công nghệ xanh, mang lại hiệu quả thiết thực để cải thiện chất lượng điện năng đến khách hàng sử dụng điện cũng như đóng góp tích cực cho môi trường.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2021, lượng phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu đã tăng 6% lên mức 36,3 tỷ tấn, cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, tình trạng thiếu hụt năng lượng cũng như sử dụng năng lượng chưa thực sự hiệu quả và tiết kiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là những khó khăn trong việc giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đối với các máy biến áp (MBA) cũ có nhiều gam công suất, nhiều nhà sản xuất khác nhau có thể gây khó khăn trong việc dự phòng vật tư thiết bị, công tác sửa chữa, quản lý chất lượng thiết bị. Việc đầu tư mang tính đồng bộ về chủng loại và chất lượng MBA, kết hợp với việc chọn lại công suất MBA phù hợp với dự báo tăng trưởng phụ tải sẽ đảm bảo giải quyết được các vấn đề trên và khả năng mang tải lâu dài của MBA. Do đó, việc triển khai sử dụng các máy biến áp tổn hao thấp đã, đang và sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong lĩnh vực năng lượng trong dài hạn.
Hương Linh