Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:31 GMT+7

Xe điện tự sạc bằng năng lượng mặt trời sắp sản xuất đại trà

04/11/2022

Những băn khoăn về nguồn gốc không hoàn toàn "sạch" của năng lượng dùng để sạc pin cho xe ô tô điện đã được giải quyết ở mẫu Sono Sion.

Một trong những ý kiến chỉ trích trong kỷ nguyên xe điện là nguồn năng lượng dùng để sạc pin không thực sự sạch. Nhưng năng lượng mặt trời có thể là một trong những giải pháp cho vấn đề này và công ty Sono Motors ở Munich (Đức) đã có câu trả lời đó. 
Được giới thiệu từ năm 2017, Sono Sion là mẫu xe điện đầu tiên trên thế giới chạy bằng năng lượng mặt trời. (Ảnh: Sono Motors)
Công ty cho biết tính đến ngày 1/9 vừa qua đã nhận được hơn 20.000 đơn đặt hàng. Khi đăng ký mua xe, khách hàng sẽ phải đặt cọc trung bình 2.000 euro, tương đương 47 triệu đồng.
Sono cho biết giá bán của chiếc Sion là 25.126 euro (khoảng 590 triệu đồng). Với giá bán đó, công ty kỳ vọng Sion sẽ trở thành mẫu xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới (SEV) được sản xuất đại trà.
Dự kiến dây chuyền sản xuất xe Sono Sion sẽ khởi động vào nửa cuối năm 2023 bởi đối tác Valmet Automotive ở Phần Lan. Sau giai đoạn khởi động, Sono đặt mục tiêu sản xuất được khoảng 257.000 chiếc Sion trong vòng 7 năm.
Xe vận hành nhờ motor điện 3 pha công suất 120kW (163 mã lực) kết hợp với hộp số một tốc độ và hệ dẫn động cầu trước. Xe có tốc độ tối đa 140 km/h. 
Không sử dụng tấm pin điện quang trên nóc như các mẫu xe điện chạy bằng năng lượng mặt trời khác, hầu như mọi mặt phẳng trên Sion đều được tận dụng lắp tấm pin điện quang: nắp ca-pô, nóc xe, chắn bùn, hai bên sườn và đuôi xe.
Chỉ có mũi xe không được lắp các tấm pin quang điện, nhằm giảm thiểu chi phí thay thế trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Một chiếc Sion được trang bị tổng cộng 456 tấm pin quang điện, đủ giúp xe mỗi tuần chạy 112km hoàn toàn miễn phí (bằng năng lượng mặt trời). Con số này có thể cao gấp đôi nếu xe được sử dụng ở những vùng thường xuyên nắng chói chang.
Ngoài nguồn năng lượng mặt trời, Sono Sion được trang bị bộ pin LFP công suất 54 kWh, có thể giúp xe chạy tới 305km theo tiêu chuẩn đường thử WLTP. Đặc biệt, chiếc xe có thể trở thành trạm phát điện di động với công suất lên tới 2,7kW.
Bên trong xe, đáng chú ý nhất là dải rêu trên táp-lô của hệ thống lọc không khí. 
Có thể sạc pin cho xe bằng 3 hình thức: Schuko, Type 2 và CCS.
Trong đó, Schuko là nguồn điện tại các hộ gia đình, cần tới 12,5 tiếng để sạc 80% pin, tùy công suất ổ điện.
Type 2 là hệ thống trạm sạc tiêu chuẩn; sẽ mất 4 tiếng để sạc 80% pin và 5 tiếng để sạc 100% pin.
CCS là hệ thống sạc nhanh; sẽ chỉ mất 35 phút để sạc 80% pin và thêm 24 phút nếu muốn sạc đầy 100%. Tuy nhiên, 80% pin là đủ để xe chạy 240km.
Theo: Dân trí