Thứ bảy, 21/12/2024 | 21:20 GMT+7

Tập trung phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực năng lượng

06/10/2022

Định hướng phát triển năng lượng giai đoạn này tập trung đầu tư vào 10 công nghệ năng lượng. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao những công nghệ tiên tiến về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, truyền tải điện năng, nhất là những công nghệ tiên tiến trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tại "Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương được tổ chức, TS. Nguyễn Tiến Tài, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật đã báo cáo định hướng phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lĩnh vực năng lượng cho giai đoạn 2021-2030.
Nguyễn Tiến Tài, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2022
TS. Nguyễn Tiến Tài cho biết "Thông qua Chương trình trọng điểm cấp quốc gia KC.05, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư hơn 148 tỷ đồng cho 23 dự án phát triển những công nghệ mới phục vụ ngành năng lượng, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư cho các dự án - phần còn lại do các doanh nghiệp đối ứng. Trong số đó, các nhiệm vụ liên quan đến những giải pháp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả khai thác, lưu trữ, sử dụng năng lượng chiếm tới 30% tổng số nhiệm vụ của chương trình".
 
Trong giai đoạn tiếp theo 2021-2030, Bộ Khoa học và Công nghệ định hướng sẽ đầu tư cho 10 công nghệ năng lượng, bao gồm: Công nghệ tiên tiến trong thăm dò, thu hồi dầu và khí; Công nghệ quang điện mặt trời; Công nghệ tuabin gió tiên tiến; Công nghệ năng lượng địa nhiệt; Công nghệ năng lượng đại dương và năng lượng sóng; Công nghệ năng lượng hydrogen; Công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến; Công nghệ thủy điện tích năng; Công nghệ lưới điện thông minh; Kỹ thuật tiên tiến về bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường.
 
Các định hướng này sẽ được triển khai thành 5 nội dung chính của chương trình KC.05/21-30. Cụ thể: (1) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp; (2) Nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ tiến tiến trong khai thác nguồn năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, hydro và một số dạng năng lượng mới khác; (3) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển, hiện đại hoá hệ thống điện; (4) Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sản xuất, phân phối, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nghiên cứu công nghệ bức xạ, đồng phóng xạ và thiết bị bức xạ, ghi đo bức xạ.
 
Các định hướng này sẽ tạo tiền đề để hình thành các nhiệm vụ khoa học công nghệ quy mô lớn với sự tham gia của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp tiên phong trong từng lĩnh vực năng lượng.
 
Bên cạnh đó, sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển, ứng dụng và chuyển giao những công nghệ tiên tiến về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, truyền tải điện năng, nhất là những công nghệ hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục cùng các bộ ngành đẩy mạnh việc loại bỏ những trang thiết bị gia dụng, văn phòng, thương mại, công nghiệp sử dụng năng lượng kém hiệu quả và những tổ máy phát điện hiệu suất thấp không cho phép xây dựng mới trên địa bàn cả nước theo quyết định 24/2018/QĐ-TTg ngày 18/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Những biện pháp loại bỏ công nghệ lạc hậu được áp dụng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) đã góp phần đáng kể vào việc giúp Việt Nam tiết kiệm 3,4% tổng tiêu thụ năng lượng (tương đương 4,9 triệu tấn dầu quy đổi) trong giai đoạn 2006-2010; và 5,65% (tương đương 11,2 triệu tấn dầu quy đổi) cho giai đoạn 2011-2015.
Minh Khuê