Thứ bảy, 02/11/2024 | 03:26 GMT+7

Hệ thống giám sát, điều khiển chế độ sấy lúa tiết kiệm năng lượng

10/12/2021

Thiết bị giám sát điều khiển chế độ sấy lúa của đề tài nghiên cứu giúp thời gian cho 1 mẻ sấy giảm từ 12,25 giờ xuống còn 11,08 giờ (giảm được 1,3 giờ so với quy trình cũ áp dụng); Lượng điện năng tiêu thụ cho 1 mẻ sấy giảm từ 252,8kWh xuống 226,2kWh.

Hiện nay, công tác bảo quản sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng chưa được đầu tư đúng mức, một phần do sự thiếu hụt về kinh phí đầu tư cho các giải pháp kỹ thuật và công nghệ, một phần do sự chủ quan của các doanh nghiệp thu mua, nhà máy sản xuất - chế biến.
Nhận thấy nhu cầu rất lớn từ nhiều doanh nghiệp và đơn vị chuyên thu mua nông sản trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng của sản phẩm lúa gạo ở giai đoạn sau thu hoạch, đặc biệt ở khâu sấy lúa, nhóm nghiên cứu Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp Đồng Tâm do Thạc sỹ Lê Thanh Sơn làm chủ nhiệm đã phát triển, chế tạo và sản xuất thành công trọn bộ giải pháp tối ưu chế độ sấy lúa hạt dài phổ biến ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời hoàn thiện chương trình điều khiển tự động quá trình sấy bằng thiết bị hệ thống giám sát tự thiết kế, chế tạo nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng lúa sau sấy.
Tủ điều khiển trung tâm của đề tài nghiên cứu
Thạc sỹ Lê Thanh Sơn cho biết, để giám sát toàn bộ các giai đoạn sấy và từ đó thực thi điều chỉnh điều khiển hệ thống chấp hành nhóm nghiên cứu đã thiết kế 7 cảm biến (sensor) giám sát, trong đó 6 cảm biến nhiệt độ được bố trí để giám sát nhiệt độ tác nhân sấy từ hệ thống lò đốt trấu gián tiếp và cảm biến được thiết kế chế tạo giám sát nhiệt độ và ẩm độ của khối hạt được điều khiển tự động.
Sản phẩm của đề tài nghiên cứu đã được triển khai thực tế tại Hợp tác xã sản xuất thương mại dịch vụ Green Vina TG (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trên cơ sở nghiên cứu, bổ sung trực tiếp các giải pháp cơ khí, điện tử và điều khiển tự động vào hệ thống máy sấy lúa mẫu LAMICO MFD-300-6 với sức chứa 20 tấn/mẻ.
"Kết quả, giải pháp giám sát điều khiển tự động tháp sấy ngang dòng cho mẫu máy MFD-300-6 của đề tài nghiên cứu đã giúp tăng tỷ lệ gạo nguyên sau xay xát (đạt trên 56%); Tổng thời gian cho 1 mẻ sấy giảm từ 12,25 giờ xuống còn 11,08 giờ (giảm được 1,3 giờ so với quy trình cũ áp dụng); Lượng điện năng tiêu thụ cho 1 mẻ sấy giảm từ 252,8kWh xuống 226,2kWh." - Thạc sỹ Lê Thanh Sơn cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, nhờ quy trình được lập trình, tối ưu và tự động hóa và giao diện thiết kế trên màn hình cảm ứng HMI hướng đối tượng sử dụng dễ thao tác và quan sát, thay vì phải cần 2 nhân công để vận hành 1 mẻ sấy như trước, thì nay chỉ cần 1 nhân công. Ngoài ra, do thời gian sấy giảm nên lượng trấu tiêu thụ cho 1 mẻ sấy giảm được 26% so với trước khi áp dụng các hệ thống và giải pháp của đề tài.
Giải pháp hoàn chỉnh đã được tích hợp vào máy sấy tháp MFD-300-6, gồm các thành phần như: Tủ điều khiển điều khiển có giao diện màn hình cảm ứng HMI (thiết kế theo yêu cầu); Thiết bị đo độ ẩm trực tuyến (phương pháp đo điện trở); Chương trình điều khiển tự động tích hợp nhiều ngõ ra đều khiển các thiết bị và chương trình giám sát cho phép sao chép dữ liệu quá trình sấy. Đây là giải pháp gắn liền với việc giải quyết những khó khăn ghi nhận trong thực tiễn sản xuất, nhóm nghiên cứu đã chủ động khắc phục vấn đề "nghẹt rác" mà nhiều hệ thống sấy lúa phổ dụng đang mắc phải, đặc biệt ở khu vực "trích lúa" để giám sát ẩm độ của khối hạt. 
Ứng dụng MST cho phép điều khiển tháp sấy từ xa qua điện thoại thông minh
Chia sẻ về tính mới của đề tài nghiên cứu, Thạc sỹ Lê Thanh Sơn cho biết: Cùng với giải pháp cơ khí - điện tử hoàn chỉnh, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện ứng dụng phần mềm MST, có chức năng hiển thị các thông số của quá trình sấy trong máy sấy tháp nhằm hỗ trợ cho người vận hành tháp sấy giám sát quá trình sấy để đạt được kết quả sấy tốt nhất. Phần mềm có các giao diện giúp người vận hành có thể điều chỉnh các chế độ công nghệ sấy cho từng loại lúa khác nhau thông qua việc điều chỉnh trên màn hình cảm ứng.
Phần mềm này có thể điều khiển từ máy tính cá nhân hay thậm chí qua App trên thiết bị di động thông minh. Cụ thể hơn, phần mềm MST có các chức năng: (1) điều chỉnh thông số thời gian lấy mẫu; (2) Khả năng lưu trữ dữ liệu thông qua cổng USB nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu cải tiến chế độ sấy và phục vụ cho quá trình giám sát thời gian sử dụng tháp sấy bằng lịch sử sử dụng; (3) Chức năng cài đặt chế độ và thông số hoạt động máy theo hai chế độ Auto/Manual để điều khiển động cơ bổ sung không khí của buồng hòa trộn tác nhân sấy; (4) Chức năng vẽ đồ thị theo thời gian thực giúp cho người dùng dễ dàng quan sát diễn biến toàn bộ quá trình sấy.(5) Chức năng dự báo kết thúc thời gian sấy cho người dùng.
Nhận định về hiệu quả về kinh tế xã hội, Th.S Lê Thanh Sơn khẳng định, việc phát triển và thử nghiệm thành công hệ thống giám sát, điều khiển ứng dụng cho các máy sấy bên cạnh việc giúp tăng tính chuyên môn hóa trong thiết bị chế biến sấy lúa dạng tháp hiện nay thì còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian và lượng điện năng tiêu thụ cho quá trình sấy.
Mai Anh