Thứ sáu, 01/11/2024 | 14:30 GMT+7

Lợi ích kép từ hệ thống tưới sạch cho cây chè

16/11/2021

Hệ thống tưới nước sạch tiết kiệm bằng van xoay đã góp phần tiết kiệm công lao động, tăng năng suất cho người trồng chè ở Đại Từ (Thái Nguyên).

Hiệu quả "1 vốn 4 lời"
Tham gia vào chương trình xây dựng cấp chứng nhận sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn 11041, các hộ dân của xóm La Cút (xã La Bằng, huyện Đại Từ) đã được hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho chè bằng van xoay.
Hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay đặc biệt phù hợp cho cây chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Ông Lương Văn Đảo, trưởng xóm La Cút cho biết, trên bãi chè tập trung có diện tích 4 ha, thông qua cơ chế đối ứng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay.
Trước đó, việc tưới chè chủ yếu được thực hiện qua việc dùng máy bơm áp lực, sử dụng nhiều họng nước trên nương chè để đấu nối. Cách làm cũ không thể đảm bảo được cường độ, lượng nước tưới ổn định phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của cây trồng.
Nhiều lúc, do không kịp thời tắt máy, khóa vòi dẫn đến việc tạo thành dòng chảy trên mặt đất, vừa tốn nước vừa phá vỡ kết cấu vườn. Mỗi buổi sáng hay chiều muộn, trên diện tích 4 ha của hơn 10 hộ dân, mỗi nhà một người kéo ống nước chạy đôn chạy đáo vòng quanh nương chè...
Tuy nhiên với hệ thống mới được lắp đặt, chạy thử, người dân ra xem với sự hả hê hiện rõ. Ông Vũ Văn Hai (xóm La Cút, xã La Bằng) cho biết, cả 4 ha chè chỉ cần một người điều khiển đóng mở khóa để tưới.
Nước từ các van xoay phun mưa đều trên lá, trên luống chè như cơn mưa tự nhiên. Đó chính là cách mà người làm chè truyền thống mong mỏi nhất. Nước không chỉ được tưới đều, tưới đủ mà con cải tạo được khí hậu cho những đồi chè, gò chè cao, có địa hình dốc.
Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay đưa đến hiệu quả "1 vốn 4 lời". Qua giới thiệu về công năng của hệ thống tưới mới cũng như thực tiễn hoạt động của nó trên nương chè thì ngoài tưới, hệ thống còn có thể giúp người làm chè phun thuốc bảo vệ thực vật hay tưới phân vi sinh dạng lỏng.
La Bằng là vựa chè của Đại Từ, là xã nông thôn mới kiểu mẫu của cả tỉnh nên xã sẽ vận động, khuyến khích bà con áp dụng công nghệ tưới tiên tiến nói trên. Hiện La Bằng có dòng suối với nhiều nhánh nhỏ lúc nào cũng mang nước nguồn dãy Tam Đảo chảy về hầu khắp các xóm nên rất thuận lợi để áp dụng công nghệ tưới này.
Giải pháp cho chè vụ đông
Gia đình ông  Nguyễn Văn Thinh (tổ dân phố Hợp Thành, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) có 8.000 mét đất trồng chè được lắp đặt toàn bộ bằng hệ thống tưới van xoay. Hệ thống tưới ngoài những hữu ích đã nói còn giúp nương chè “đẻ” ra cho gia đình ông thêm một lứa chè đông.
Công nghệ tưới mới cho phép người làm chè sản xuất chè vụ đông, nâng cao giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Theo ông Thinh, vào mùa đông, trời hanh khô, đặc biệt là tháng cuối năm, nguồn nước tự nhiên hạn chế chính là yếu tố khó khăn mà người làm chè từ nhiều năm không thể khắc phục để sản xuất chè vụ đông. Nhờ tưới tiết kiệm bằng van xoay mà chè của gia đình ông được chăm bón tốt, đầy đủ nước tưới nên phát triển tốt và cho thu nhập ổn định tương đương với lứa chè chính vụ.
Từ mô hình của gia đình ông Thinh, 64 hộ trồng chè của thị trấn Hùng Sơn đã được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới nói trên với quy mô xấp xỉ 10 ha. Nhờ đó, diện tích chè vụ đông được tăng lên, chè được thu hái quanh năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ cho biết, Đại Từ là vựa chè của thủ phủ chè Thái Nguyên với diện tích vùng chè lớn nhất tỉnh, xấp xỉ 6.500 ha. Công nghệ tưới tiết kiệm phun mưa cho chè dù được tuyên truyền mang lại hiệu quả cao, song tỷ lệ áp dụng ở địa phương vẫn còn thấp.
Qua 5 năm, từ 2016 - 2020, huyện đã thực hiện hỗ trợ hệ thống tưới nói trên cho hơn 500 ha chè với tổng kinh phí lên đến 7,5 tỷ đồng. Riêng năm 2020, huyện đã hỗ trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 100 ha với hơn 700 hộ dân được thụ hưởng.
Ngoài những diện tích nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, bà con nhân dân cũng đã chủ động đầu tư lắp đặt. Hiện tại, tổng diện tích chè được tưới bởi công nghệ tiết kiệm bằng van xoay cũng tương đương với tổng diện tích chè cho thu hoạch vụ đông của Đại Từ với 1.300 ha, bằng xấp xỉ 20% tổng diện tích chè toàn huyện.
Theo hạch toán, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay có thể tăng giá trị sản lượng lên đến 20 - 30 %. Đó chính là cơ sở để huyện tiếp tục đầu tư hỗ trợ và khuyến khích bà con áp dụng mở rộng hệ thống tưới này. Ngoài chè, huyện cũng hỗ trợ cho các loại cây trồng khác đặc biệt là cây ăn quả, rau màu...
Theo nongnghiep.vn