Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:16 GMT+7

Dùng rác thải nhựa đại dương làm nhiên liệu cho tàu thu gom rác

12/11/2021

Các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Worcester Polytechnic, Viện Woods Hole Oceanographic và Đại học Harvard cho rằng lượng rác thải nhựa tích tụ đang trôi nổi trên đại dương có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho chính các con tàu thu gom rác.

Trong bài nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Kỷ Yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Hoa Kỳ), các chuyên gia đã mô tả cách thức biến rác nhựa đại dương thành nhiên liệu cho tàu.
Nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng hàng triệu tấn nhựa bị ném ra ngoài đại dương mỗi năm - Một số vỡ ra và trôi dạt, còn một số thì kết lại thành mảng rác lớn trôi nổi khắp nơi trên bề mặt đại dương. Do mức độ nguy hiểm của rác thải nhựa đối với sự sống trên biển, các nhà môi trường học bắt đầu hoạt động làm sạch đại dương, thường là dùng tàu thu gom rác mang về cảng để xử lý. Các nhà nghiên cứu mới đây đã đề xuất một cách thức hữu hiệu và xanh sạch hơn để biến rác thải nhựa thành nhiên liệu cho cả máy xử lý và hoạt động không gián đoạn của tàu.
Đống rác Great Pacific Garbage Patch trên Thái Bình Dương cách bờ biển khoảng 1900 km.
Các nhà nghiên cứu cho biết rác thải nhựa có thể chuyển thành dầu thông qua quy trình hóa lỏng thủy nhiệt (hydrothermal liquefaction - HTL). Với quy trình này, nhựa được đốt nóng ở nhiệt độ 300-550 độ C và xử lý trong môi trường áp suất gấp 250-300 lần so với áp suất ở mực nước biển. Thành phẩm sau cùng là một loại chất lỏng cho mật độ năng lượng không thua kém dầu diesel vẫn được dùng để chạy đầu máy, gọi là “dầu diesel xanh”. Chuyên gia cũng ước tính rằng một con tàu chở theo máy HTL sẽ có thể sản xuất đủ dầu để chạy máy HTL và máy của tàu.
Lượng dầu thu được, theo tính toán có thể lớn gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng của tàu và được tích trữ cho những chuyến đi dài ngày trên biển. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là việc tiêu thụ loại “diesel xanh” này vẫn sẽ gây ra hiện tượng phát thải, nhưng lượng này không lớn so với mức phát thải của tàu khi sử dụng nhiên liệu hóa thạch để hoạt động. Các chuyên gia cũng lưu ý HTL có tạo ra một lượng nhỏ rác thải rắn mà có thể mang lại vào cảng để xử lý vài tháng một lần.
Nhật Linh (Theo techxplore.com)
https://techxplore.com/news/2021-11-ocean-plastic-power-cleanup-ships.html