Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:47 GMT+7

EVNHCMC tự động “khám, chữa bệnh” cho trạm và lưới điện 110kV

15/10/2021

Trước đây, toàn bộ trạm biến áp 110kV và hệ thống đường dây cao thế của Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) được thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ 3 năm/lần. Giờ đây, bằng công nghệ bảo trì, bảo dưỡng mới theo tình trạng thiết bị (CBM) để phát hiện kịp thời những bất thường của thiết bị đang vận hành và chủ động đưa ra kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng nhằm ngăn ngừa sự cố xảy ra.

Đoán “bệnh” thông qua chỉ số sức khỏe của thiết bị
Sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị CBM (Condition Based Maintenance) là phương pháp sửa chữa, bảo dưỡng theo điều kiện hay dựa trên tình trạng của thiết bị. Chiến lược sửa chữa, bảo dưỡng sẽ được đề xuất thực hiện dựa trên việc phân tích tình trạng thiết bị thông qua nhật ký, thông số vận hành trong lịch sử, dữ liệu tình trạng thiết bị thu thập qua quá trình kiểm tra/thử nghiệm định kỳ.
Công nhân đang bảo trì định kỳ đường dây cao thế.
Khi đưa vào áp dụng công nghệ CBM, các hạng mục kiểm tra/thử nghiệm sẽ được phân loại thực hiện ở 3 cấp độ khác nhau, trong đó cấp độ 1 là các hạng mục được thực hiện online mà không cần phải gián đoạn cung cấp điện khách hàng; cấp độ 2 thực hiện offline, tức là phải sử dụng các giải pháp cấp điện bổ sung, hỗ trợ thay thế hoặc ngưng cung cấp điện để thực hiện và cấp độ 3 là các hạng mục phân tích và chẩn đoán chuyên sâu hơn khi cần thiết. Một bộ chỉ số sức khoẻ (CHI – Condition Health Index) của mỗi thiết bị sẽ được chấm điểm sau khi thực hiện 3 cấp độ trên, từ đó sẽ có kết quả “khám bệnh” cho từng thiết bị và đưa ra các hành động “chữa bệnh” tương ứng cũng như thời gian “tái khám” tiếp theo, cụ thể hoặc là đưa ra cảnh báo thay thế ngay tuỳ theo ma trận kết hợp tình trạng thiết bị và mức độ quan trọng của thiết bị đó.
Theo ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, mục tiêu cốt lõi của sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng vận hành CBM là phát hiện và ghi nhận những dữ liệu dựa trên điều kiện thực tế của thiết bị; từ đó làm tiền đề cho việc phân tích và ra các chiến lược bảo dưỡng/thay thế chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị.
Quy trình này đòi hỏi phải có thông số nhập liệu, thận trọng khi quyết định thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên vật tư thiết bị 110kV, đòi hỏi phải có các dữ liệu chi tiết về vòng đời sử dụng, quá trình vận hành, các sự kiện bảo dưỡng và dữ liệu thu được trong lịch sử. Các thông số về vòng đời ở mỗi giai đoạn của quá trình phải luôn sẵn sàng, phù hợp và kịp thời; thông số phải được thu thập có hệ thống, được xử lý và lưu trữ cho mục đích sử dụng trong tương lai.
Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, phù hợp với lưới điện hiện đại
EVNHCMC đã triển khai thí điểm phương pháp sửa chữa bảo dưỡng CBM từ năm 2020, đến nay đã áp dụng thực hiện đối với tất cả vật tư thiết bị thuộc lưới 110kV. Đồng thời, cập nhật đầy đủ kết quả thực hiện vào chương trình quản lý kỹ thuật (PMIS) để đánh giá, thực hiện. EVNHCMC cũng đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm phương pháp này đối với lưới điện 22kV (dự kiến bắt đầu thử nghiệm trong quý IV/2021). Trong Quý IV/2021, EVNHCMC cũng sẽ triển khai thử nghiệm thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng toàn bộ vật tư thiết bị 110kV và 22kV theo tình trạng vận hành CBM. EVNHCMC cũng đã ban hành hướng dẫn phương pháp sửa chữa bảo dưỡng các vật tư thiết bị từ 110kV trở xuống theo tình trạng vận hành CBM làm cơ sở áp dụng rộng rãi tại các đơn vị trực thuộc, đồng thời làm cơ sở tiền đề áp dụng tại các Tổng công ty phân phối điện khác trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Luân Quốc Hưng cho biết, đối với phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo thời gian (3 năm/1 lần) truyền thống như trước đây sẽ ít cân nhắc điều kiện thực tế của thiết bị khi lập kế hoạch và thực hiện bảo trì, dẫn tới tình trạng lãng phí khi đến hạn bảo dưỡng mà thiết bị vẫn còn trong trạng thái vận hành tốt. Hay ngược lại, sẽ bị động trong việc bố trí nguồn lực nếu chẳng may thiết bị chưa đến hạn sửa chữa lại phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Với phương pháp CBM, việc bảo trì chỉ tiến hành khi cần thiết nhằm không để xảy ra trường hợp suy giảm khả năng vận hành hoặc sự cố, loại bỏ phương án bảo trì định kỳ tốn kém và giảm đáng kể xác suất hư hỏng thiết bị. Phương pháp này còn có nhiều ưu điểm như: giảm tình trạng hư hỏng thiết bị; giảm chi phí sửa chữa và chi phí nhân công; giảm chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới điện-phút/khách hàng/năm); linh hoạt và chủ động trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị… tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
“Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của EVNHCMC và quản trị lưới điện thông minh, góp phần cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn cho TP Hồ Chí Minh”, ông Luân Quốc Hưng cho biết thêm./.
Theo dangcongsan.vn