Thứ sáu, 03/01/2025 | 07:59 GMT+7
Người dân có thể sử dụng nước sạch trực tiếp từ Watly
Vận hành bằng năng lượng Mặt trời
Máy tính Watly, phát minh của một công ty máy tính châu Âu hiện được đánh giá là chiếc máy tính chạy bằng năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới. Nó đã được các nhà thiết kế tiến hành thử nghiệm trong suốt 3 năm qua và dự kiến bắt đầu triển khai lắp đặt tại các vùng nông thôn ở châu Phi. Hệ thống máy tính Watly có chiều dài lên tới 40m, nặng 15 tấn, được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất.
Trong quá trình hoạt động, Watly sẽ tạo ra một quá trình cô đặc, chưng cất hơi nước. Nước được bơm đầy trong khoang chứa và được xử lý để người dân có thể trực tiếp uống. Watly sử dụng năng lượng nhiệt từ Mặt trời để làm bốc hơi nước và tách các chất độc hại ra từ nguồn nước đã đưa vào trong hệ thống, kể cả các chất độc, vi khuẩn gây bệnh hay muối trong nước biển. Ước tính, Watly có thể làm sạch được khoảng 5.000 lít nước mỗi ngày (khoảng 3 triệu khối nước mỗi năm) trong vòng 15 năm liên tiếp.
Các nhà sáng chế cho biết, Watly vận hành chỉ bằng năng lượng Mặt trời, song chiếc máy tính này không chỉ có thể tự sản sinh ra điện năng đủ cho chính nó hoạt động mà còn cung cấp điện năng cho các hoạt động của các thiết bị khác. Bởi các nhà sáng chế đã trang bị cho Watly một hệ thống pin năng lượng Mặt trời, và nếu nguồn năng lượng mà nó tạo ra không được sử dụng hết sẽ được hệ thống tự động tích tụ trong một ắc quy có công suất khoảng 140kWh. Năng lượng này có thể sử dụng trong sinh hoạt hay sạc pin máy tính và điện thoại di động.
Ngoài ra, Watly còn được kết nối với một hệ thống quản lý trung tâm và các cỗ máy tính Walty khác, tạo ra một hệ thống mạng lưới wifi có bán kính lên tới 500m. Thậm chí nó còn được kết nối thông qua vệ tinh, đường dây truyền tải sóng hay hệ thống mạng 4G giúp các thiết bị di động có thể gửi dữ liệu thông qua SMS, video, hình ảnh, tệp… ở tốc độ cao. Hơn nữa, Watly còn được đánh giá là có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính, khoảng 2.500 tấn/năm, tương đương với 5.000 thùng dầu.
Giải pháp hạ tầng ở lục địa đen
Marco Attisani, một doanh nhân người Italia, đồng sáng lập dự án về Watly ở các nước châu Phi hy vọng rằng, phát minh của ông cùng các đồng nghiệp sẽ được thử nghiệm lắp đặt ở ngoại ô, vùng nông thôn của các nước nghèo và đang phát triển tại tiểu vùng sa mạc Sahara để giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống. Theo Tổ chức phi chính phủ WaterAid, khoảng 1/3 dân số châu Phi không có cơ hội tiếp cận với nguồn nước sạch, và chỉ có ¼ người dân cận vùng Sahara được dùng điện, chưa tới 1/3 người dân biết sử dụng internet.
Được biết, chiếc Watly đầu tiên đã được lắp tại làng Abenta, Ghana năm 2015. Hiện công ty đầu tư chế tạo Watly hy vọng có thể bán những chiếc máy tính này cho các chính phủ và các công ty viễn thông, bởi nó sẽ là giải pháp rất tốt cho các công ty viễn thông tăng phạm vi phủ sóng mà không phải bỏ chi phí cao như hiện nay. Tháng 6-2016, các nhà sáng chế dự kiến sẽ đưa chiếc Watly 3.0, đang được sản xuất tại Italia, đưa vào chạy thử nghiệm. Chi phí cho cỗ máy này khoảng 453.000 USD, tuy nhiên mức đề xuất bán vẫn chưa được công bố.
Theo anninhthudo.vn