Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:55 GMT+7
Các nhà khoa học vừa tạo ra được một loại bệ nền chứa được nhiều tấm pin mặt trời, chịu được sóng biển và nổi được trên mặt biển.
Pin mặt trời nổi đã được sử dụng trong một khoảng thời gian tương đối dài, nhưng chủ yếu chúng chỉ được sử dụng ở những tầng chứa nước trong đất liền. Nguyên nhân chính của việc này là do nếu như sử dụng pin mặt trời nổi trên biển và đại dương, chúng sẽ rất dễ bị hư hỏng khi biển động, sóng lớn.
Cân nhắc đến số tiền lớn phải bỏ ra để đầu tư vào nhà máy điện mặt trời thì việc đặt chúng ở biển quả là liều lĩnh.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Wien đã đưa ra một phát minh mà ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang rất cần. Họ đã thiết kế ra một hệ thống bệ nền nổi, đủ vững chắc để đặt một nhà máy điện mặt trời lớn trên biển. Đây là lần đầu tiên một thiết kế về bệ nền nổi có nhiều tiềm năng trở thành hiện thực đến thế.
Hệ thống bệ nền được đặt tên là Heliofloat này sử dụng loại phao độc đáo với cọc trụ linh hoạt có đáy mở, làm giảm sức mạnh của sóng, chứ không "hút" sóng. Điều này làm cho hệ thống bệ nền này chịu được sóng to mà những loại bệ nền thông thường khác dễ dàng bị hư hỏng.
Cọc trụ của hệ thống bệ nền này có đáy mở, giống như két dằn của tàu ngầm, giữ được không khí ở bên trong, sau đó, không khí sẽ bị áp lực nước nén xuống. Như vậy, đáy cọc trụ mở có tác dụng như một bộ giảm chấn, trong khi đó, các mặt của cọc trụ sẽ cong lại khi sóng vỗ vào, làm chúng hấp thụ ít năng lượng hơn. Tóm lại, cọc trụ này được thiết kế như vậy để hệ thống bệ nền Heliofloat "đứng vững" được trước những đợt sóng lớn.
Các nhà khoa học khẳng định rằng hệ thống bệ nền này đủ vững chắc để đặt một nhà máy điện mặt trời có kích thước bằng một sân bóng đá. Không những thế, họ còn tin tưởng rằng, hệ thống Heliofloat còn có nhiều ứng dụng khác như nhà máy khử muối, chiết xuất sinh khối, bảo vệ hồ nước khỏi bị bốc hơi mà không làm ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển hay nhà nổi.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistics)