Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:20 GMT+7
Các nhà hóa học từ Đại học Texas at Arlington (UTA) đã phát minh ra vật liệu mới của pin năng lượng mặt trời có thể trực tiếp biến khí CO2 và nước thành các nhiên liệu như khí metan và hydro.
"Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu các công nghệ vừa loại bỏ được khí thải nhà kính như CO2, vừa thu và biến năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành nhiên liệu," tiến sĩ Krishnan Rajeshwar, giáo sư nổi tiếng về hóa học và hóa sinh, đồng thời là đồng sáng lập trung tâm năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ của trường đại học UTA cho biết.
"Vật liệu mới của chúng tôi có thể nâng cao sự an toàn, hiệu quả và giảm giá thành của pin năng lượng mặt trời", giáo sự Rajeshwar bổ sung thêm.
Các nhà khoa học đã sử dụng những ống nano carbon dài, được bọc bằng các tinh thể nano oxit đồng để tạo thành pin năng lượng mặt trời.
Nghiên cứu cho thấy rằng ống nano carbon có độ dẫn điện cao và oxit đồng có thể làm ca-tốt và biến ánh sáng thành dòng quang điện, rất cần thiết cho phản ứng khử quang điện hóa.
Ông Morteza Khaledi, chủ nhiệm khoa khoa học của trường đại học UTA nói rằng: "Việc giáo sư Krishnan Rajeshwar tiếp tục dẫn dắt nghiên cứu tập trung vào pin năng lượng mặt trời cho thấy đại học UTA đang ngày càng quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển bền vững".
Nghiên cứu thể hiện sự cam kết của trường đại học này trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường trong kế hoạch chiến lược đến năm 2020.
"Dùng loại khí thải độc lại như CO2 để tạo ra nhiên liệu mà không hề tốn nhiều chi phí là một bước tiến lớn cho tất cả chúng", giáo sư Khaledi nói.
Nếu như oxit đồng nguyên chất rất dễ bị rỉ sau một thời gian sử dụng thì vật liệu mới này bền hơn rất nhiều.
Nhóm các nhà khoa học này cũng đang trong quá trình thiết kế một lò phản ứng điện hóa lỏng để thu khí O2 và CO2 từ không khí trong phòng. Lò phản ứng này sẽ được xây dựng tại trung tâm năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ tại trường đại học UTA trong một vài tháng tới.
Ngọc Diệp (Theo The Green Optimistics)