Thứ năm, 26/12/2024 | 21:07 GMT+7

Máy bay chạy bằng xăng và hydro chuẩn bị cất cánh

13/02/2016

Điểm nổi bật của thế hệ máy bay này là nó có một pin nhiên liệu hydro, giúp nó cắt giảm 50,000 tấn nhiên liệu tiêu thụ mỗi năm.

Hãng hàng không lớn nhất của Anh vừa công bố kế hoạch phát triển dòng máy bay chạy bằng xăng và năng lượng hydro. Điểm nổi bật của thế hệ máy bay này là nó có một pin nhiên liệu hydro, giúp nó cắt giảm 50,000 tấn nhiên liệu tiêu thụ mỗi năm.

Thế hệ máy bay này của Easyjet sử dụng một pin nhiên liệu hydro, được xếp gọn trong khoang máy bay, có thể thu năng lượng khi máy bay phanh lại để hạ cánh - giống như hệ thống lưu trữ năng lượng động lực học trong các xe đua Công thức 1. Sau đó, năng lượng này sẽ được dùng để nạp điện cho hệ thống ắc quy nhỏ của máy bay. 

Lượng điện năng tạo ra được chủ yếu sử dụng trong quá trình máy bay lăn bánh trên mặt đất. Quá trình này tiêu thụ khoảng 4% tổng lượng nhiên liệu mà hãng hàng không Easyjet sử dụng. Trung bình, một máy bay của Easjet lăn bánh khoảng 20 phút trong mỗi chuyến bay - tương đương với khoảng bốn triệu dặm một năm.

Toàn bộ chu trình này chỉ tạo ra một chất thải duy nhất là nước sạch, có thể tái sử dụng để tiếp nước cho hệ thống nước trên máy bay trong suốt chuyến bay. Hãng Easyjet cho biết họ sẽ thử nghiệm công nghệ này vào cuối năm nay.

Ông Ian Davies, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của Easyjet cho biết: "Tại Easyjet, chúng tôi đang tiếp tục áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và công nghệ kỹ thuật mới vào máy bay."

"Mô hình máy bay chạy bằng xăng và năng lượng hydro mà chúng tôi giới thiệu ngày hôm nay là thế hệ máy bay của tương lai. Nhưng đồng thời nó cũng đặt ra thách thức cho các nhà cung cấp và đối tác của Easyjet phải theo đuổi mục tiêu cắt giảm lượng khí thải cacbon cùng chúng tôi."

Hãng Easyjet sẽ thử nghiệm máy bay chạy bằng xăng và năng lượng hydro vào cuối năm nay.

Tương lai của ngành hàng không

Mô hình máy bay chạy bằng xăng và năng lượng hydro được lấy cảm hứng từ các sinh viên thuộc trường Đại học Cranfield, những người đã đưa ra ý tưởng về việc ngày hàng không sẽ phát triển như thế nào trong 20 năm nữa trong cuộc thi được tổ chức vào tháng 11 năm 2015 để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 của hãng hàng không Easyjet.

Giảng viên chuyên ngành hàng không học của đại học Cranfield, ông Craig Lawson nói: "Sinh viên của chúng tôi đã đưa ra một số ý tưởng thú vị cho sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không trong cuộc thi Tương lai của ngành hàng không. Họ đã đưa ra các giải pháp về môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động và ý tưởng để nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng. Chúng tôi thật sự rất mong mô hình máy bay này phát triển hơn nữa."

Hãng hàng không Easyjet và Đại học Cranfield đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài ba năm vào năm ngoái để cùng nhau chia sẻ sáng kiến.

Hãng hàng không Easyjet đã đặt mục tiêu mới cho năm 2020 là cắt giảm 7% lượng khí cacbon trong vòng năm năm tới so với lượng khí cacbon mà hãng thải ra hiện nay, tương đương với việc cắt giảm 81.05 gam CO2 trên một cây số trên một hành khách.

Bằng cách tăng tỷ lệ chỗ ngồi trên máy bay, một hành khách của hãng Easyjet có thể thải ra lượng khí thải cacbon thấp hơn 22% so với một hành khách của hãng hàng không truyền thống, bay trên cùng một tuyến đường. 

Khí thải nhà kính ngày càng tăng cao

Hiên nay, ngành hàng không và vận tải biển đang rất được quan tâm bởi lượng khí cacbon mà 2 ngành này thải ra chiếm khoảng 6% tổng lượng khí thải cacbon trên toàn cầu.

Một báo cáo gần đây cho thấy lượng khí thải cacbon trên toàn trái đất có thể tăng lên 250% vào năm 2050 mà nếu như chính phủ của các nước không có biện pháp gì để ngăn chặn.

Nhằm ngăn chặn lượng khí thải nhà kính ngày càng tăng cao, Ủy ban châu Âu đã công bố Báo cáo môi trường về ngành hàng không châu Âu đầu tiên vào tuần trước. Báo cáo này đưa ra các chỉ số quan trọng về tiếng ồn, khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí. Báo cáo này đã theo sát hoạt động của ngành hàng không châu Âu. Tuy nhiên, những phát hiện đầu tiên của báo cáo đã cho thấy lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu có nguy cơ tăng lên đáng kể nếu không có sự phối hợp hành động của các nước. 

Ông Hans Bruyninckx, giám đốc điều hành của Cơ quan Môi trường châu Âu, cho biết: "Rõ ràng là ngành hàng không châu Âu đang ngày càng tác động đến về sức khỏe và môi trường của chúng ta. Mặc dù ngành hàng không đóng một vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội nhưng ngành hàng không càng phát triển càng thải ra nhiều khí cacbon, tạo ra nhiều tiếng ồn và gây ô nhiễm không khí. Thách thức đặt ra cho các chuyên gia ngành hàng không và cá nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để ngành hàng không có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai."

Ngọc Diệp (Theo Edie.net)