Thứ năm, 26/12/2024 | 22:08 GMT+7
Các loài động vật máu lạnh (hay còn gọi là động vật biến nhiệt) như thằn lằn, côn trùng hay cá có khả năng thay đổi thân nhiệt tùy theo nhiệt độ môi trường. Với nỗi lo sợ rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu, cụ thể là sự nóng lên của trái đất, sẽ hạn chế phạm vi nhiệt độ cơ thể của các loài máu lạnh, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và đưa ra lời cảnh báo về những tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với các hoạt động và sự sống còn của các loài máu lạnh. Mới đây, một nghiên cứu vừa được đăng trên Tạp Chí Sinh Thái Học (Ecology Letters) đã đưa ra câu trả lời rõ hơn về cách mà nhiệt độ tác động tới các hoạt động của các loài động vật này.
Manuel Leal, giáo sư ngành sinh vật học tại Đại học Missouri và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã trình bày rất rõ ràng rằng biến đổi khí hậu sẽ tác động tới động vật máu lạnh nhưng hiện tại thì chúng tôi vẫn chưa thể làm gì nhiều khi phải giải thích chúng bị tác động như thế nào.”
Các nhà khoa học tranh cãi rằng hầu hết các nghiên cứu đều đi sâu tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với động vật máu lạnh, còn gọi là động vật biến nhiệt vì thân nhiệt của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, và coi thân nhiệt là yếu tố hàng đầu và duy nhất để các hoạt động có thể diễn ra. Cách tiếp cận đó, theo như họ nói thì, hoàn toàn thất bại khi phải diễn tả sự phức tạp trong hành vi của các loài động vật.
“Nhiệt độ tối ưu của cơ thể có thể là một chỉ số tốt khi hầu hết các hành vi bị chi phối bởi nhiệt độ. Tuy nhiên không thể dùng nó để đại diện cho sinh vật học được vì cơ thể chúng có thể nóng hơn hoặc mát hơn nhiệt độ tối ưu.” Leal cho biết.
Để biết rõ hơn về sự ảnh hưởng của nhiệt độ với hành vi, các nhà khoa học đề xuất một mô hình khái niệm, trong đó bốn thành phần của các hoạt động phụ thuộc vào nhiệt độ là ngưỡng, khả năng, trạng thái và sức mạnh sẽ được tích hợp để dự đoán hoạt động trong phạm vi mà các cơ quan trong cơ thể tiếp nhận và phản ứng với sự biến thiên của nhiệt độ.
“Điểm mạnh của chương trình này là sự đơn giản và phương pháp tiếp cận lấy các cơ quan trong cơ thể làm trung tâm. Đặc biệt nhấn mạnh nghiên cứu quá trình trao đổi chất diễn ra trong điều kiện nhiệt độ biến thiên, thân nhiệt và các hoạt động khác.” Leal nói.
Các nhà nghiên cứu áp dụng phương pháp này để nghiên cứu những hậu quả của sự nóng lên toàn cầu đối với thằn lằn Anolis cristatellus, một loài thằn lằn sống trên cây ở cả vùng có môi trường sống ẩm lẫn môi trường sống khô trên đảo Puerto Rico. Kết quả cho thấy các hành vi như ăn và sinh sản đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ khi được so sánh với khi chúng chạy nhanh.
“Ví dụ, phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng các hoạt động sinh lý học của loài thằn lằn Anollis cristatellus ở nơi khô hạn sẽ giảm khoảng 25% khi trời ấm, và tổng hoạt động sẽ giảm khoảng 50%. Hơn thế nữa, môi trường sống sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của chúng, điều này là một tiêu chí quan trọng đối với duy trì nòi giống và tránh khỏi sự tuyệt chủng.”
Leal cho biết bên cạnh việc thu thập thêm các dữ liệu quan sát được thì sự kiểm tra, đánh giá cũng rất quan trọng. Cả hai hoạt động này sẽ giúp dự đoán chính xác hơn để giúp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đối với những loài động vật dễ bị tổn thương.
Thanh Thảo (Theo sciencedaily.com)