Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:43 GMT+7
Kể từ khi đèn LED ra đời, đèn sợi đốt có xu hướng ngày càng chìm vào quên lãng với lý do hiệu quả năng lượng thấp và toả nhiệt mạnh. Tuy nhiên, Học viện Công nghệ Massachusset (Mỹ) với công nghệ mới nhất của mình sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ khi cải thiện đáng kể hiệu quả năng lượng của đèn sợi đốt và làm chúng còn tiết kiệm năng lượng hơn cả đèn LED.
Cụ thể, trong kỹ thuật mới này, dây tóc của bóng đèn sẽ được bao phủ một cấu trúc tinh thể đặc biệt có chức năng giữ lại nhiệt năng toả ra từ dây tóc, ngăn cản chúng phát tán ra vùng chân không trong bóng thuỷ tinh, bóng thuỷ tinh và sau cùng là môi trường bên ngoài. Ngược lại, nguồn nhiệt năng này sẽ được "trả lại" cho dây tóc và cung cấp năng lượng cho đèn tiếp tục phát sáng nhưng không hề tiêu thụ điện từ nguồn xoay chiều.
Ivan Celanovic, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, công nghệ "trả lại nhiệt năng" của MIT không chỉ tiết kiệm năng lượng, với mức hiệu suất 40% so với 14% của đèn LED và 5% của đèn sợi đốt công nghệ cũ, mà quan trọng hơn là "vẫn đảm bảo ánh sáng phát ra đạt mức gần như lý tưởng về màu sắc". Đồng thời, ông còn bật mí rằng "trên thực tế, đèn sợi đốt vẫn tồn tại trong một thời gian dài chính là nhờ ánh sáng vàng của nó đem lại cảm giác ấm áp cho người sử dụng, khác với ánh sáng trắng buồn tẻ của đèn huỳnh quang và đèn LED.
Theo một số nhà kinh tế học, công nghệ mới sử dụng lớp phủ sợi đốt đặc biệt của MIT có thể đem lại nguồn sinh khí mới cho ngành công nghiệp sản xuất bóng đèn trên thế giới. Ví dụ, tại Anh, việc chính phủ ban hành lệnh cấm sản xuất bóng đèn sợi đốt thế hệ cũ từ cuối năm 2011 đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng do không kịp chuyển đổi công nghệ sang chế tạo đèn LED. Song, nếu công nghệ "trả lại nhiệt năng" được áp dụng rộng rãi, ngành công nghiệp này sẽ hồi sinh, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ nhờ hiệu quả tiết kiệm năng lượng đã được khẳng định.
Thông tin cụ thể về lớp phủ sợi đốt đặc biệt nêu trên sẽ được trình bày trong bài báo của Ivan Celanovic, Ognien Ilic, John Joannopoulos, Gang Chen. Marin Soljacic và Peter Bermel đăng tải trên tạp chí khoa học Nature số 1 thế giới.
Anh Tuấn (Theo Biztekmojo)