Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:28 GMT+7

Panasonic vượt SolarCity về hiệu quả mô-đun năng lượng mặt trời

21/10/2015

SolarCity, công ty năng lượng nổi tiếng của Mỹ đã tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất “tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả nhất thế giới” tại nhà máy của mình ở Buffalo, New York (Mỹ) vào năm 2016.

Chưa đầy một tuần sau khi SolarCity, công ty năng lượng nổi tiếng của Mỹ đã tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất “tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả nhất thế giới” tại nhà máy của mình ở Buffalo, New York (Mỹ) vào năm 2016. Công ty này khẳng định pin năng lượng do họ thiết kế có khả năng chuyển đổi 22,1% ánh sáng mặt trời thành điện. 

Thì tập đoàn Panasonic cho biết, họ đã vượt qua thành tích đó. Tấm pin năng lượng mặt trời của Panasonic đã lập kỷ lục thế giới mới với mô-đun có hiệu suất chuyển đổi lên tới 22,5% - do trên bản mẫu, với kích cỡ giống như các sản phẩm để bán ra thị trường và được chế tạo bằng công nghệ sản xuất hàng loạt. Nguyên mẫu có 72 tế bào pin năng lượng mặt trời, công suất 270 watt, kết hợp với công nghệ nâng cao mới được phát triển.

Kết quả thử nghiệm đã được Viện Công nghệ và Khoa học Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản xác nhận. 

“Kỷ lục về hiệu quả của pin năng lượng mặt trời mới này một lần nữa chứng tỏ rằng Panasonic là một lá cờ đầu trong công nghệ quang điện. Chúng tôi không ngừng chuyển động để bắt kịp với công nghệ năng lượng mặt trời tiên tiến”, ông Daniel Roca, nhà phát triển kinh doanh cao cấp của công ty chuyên về giải pháp thân thiện với môi trường Panasonic Eco Solutions châu Âu phát biểu trong một thông cáo báo chí được đưa ra bởi Panasonic Electric Works Europe AG.

Panasonic cũng cho biết họ đang giới thiệu HIT N330, sản phẩm bổ sung mới nhất cho dòng sản phẩm mô-đun quang điện dị tinh thể hiệu quả cao của mình, và là mô-đun quang điện mạnh nhất trong dòng này cho tới nay.

Sản phẩm này sẽ có mặt tại Anh và các thị trường châu Âu khác bắt đầu từ tháng 3/2016. Được sản xuất với công nghệ tiên tiến của Panasonic, tích hợp những cơ sở chế tạo năng lượng mặt trời tại cơ sở ở Malaysia, HIT N330 đạt hiệu suất mô-đun 19,7% và cho ra 330 watt điện.

Mô-đun gồm 96 pin năng lượng mặt trời mới sẽ thu về nhiều hơn khoảng 27% điện năng so với các dòng chính mô-đun đa tinh thể 206 watt. Do có sự tăng điện năng trên cùng một lượng mô-đun và diện tích mái nhà, việc lắp đặt tại các khu dân cư và thương mại sẽ có chi phí thấp hơn đáng kể khi sử dụng các tấm pin N330.

“HIT N330 cho mật độ năng lượng cao hơn trên mỗi mét vuông và làm giảm tổng số lượng mô-đun cần thiết, khiến cho nó trở thành tấm pin năng lượng lý tưởng cho những thị trường “tự tiêu thụ” ở châu Âu”, ông Roca nói.

“Đối với những người lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, HIT N330 năng suất cao là sự bổ sung lý tưởng cho danh mục đầu tư năng lượng mặt trời mà Panasonic hiện có, mang lại công cụ- vốn còn thiếu, để có thể thu về nhiều điện năng hơn trên bất kỳ mái nhà nào và tối đa hóa sự cân bằng trong việc tiết kiệm trên toàn hệ thống và làm giảm chi phí lắp đặt”.

Nhìn vào hai tuyên bố - một của SolarCity và một của Panasonic, rõ ràng tương lai của năng lượng mặt trời sẽ chỉ tươi sáng hơn khi các nhà sản xuất luôn tìm cách để thu về nhiều điện năng hơn trên một diện tích năng lượng pin mặt trời nhất định.

Mai Linh (theo Cleantechnica)