Thứ bảy, 23/11/2024 | 08:52 GMT+7

Hệ thống tích trữ năng lượng bằng muối giành giải lớn ở Úc

24/10/2015

Một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Nam Úc vừa phát triển hệ thống tích trữ năng lượng có giá chỉ bằng một phần mười so với các pin điện truyền thống

Một nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Nam Úc vừa phát triển hệ thống tích trữ năng lượng có giá chỉ bằng một phần mười so với các pin điện truyền thống. Với sản phẩm của mình, nhóm này đã nhận được giải thưởng Eureka ANSTO 2015 cho hạng mục Sử dụng công nghệ sáng tạo.

Phó Giáo sư Frank Bruno, Tiến sỹ Martin Belusko và Tiến sỹ Steven Tay sử dụng muối trong hệ thống tích trữ năng lượng này. Đây không phải là điều mới, bởi một số trang trại mặt trời đã sử dụng các pin muối nóng chảy, nhưng quá trình thực hiện thì lại có một chút khác biệt.

Thay vì làm nóng muối như trường hợp các trang trại mặt trời, hệ thống mới này được sạc đầy bằng cách đóng băng dung dịch nước muối và sử dụng điện bằng cách nung chảy nó.

Hệ thống này đã được thử nghiệm thành công trên một trang trại, cho phép các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Australia giảm giá điện lạnh xuống tới 50% bằng cách làm đầy hệ thống ngoài giờ cao điểm. Tính trên toàn quốc, khoản tiết kiệm được có thể tới hàng tỷ vì ước tính chi phí điện lạnh của Australia rơi vào khoảng 14 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống này có thể giúp giải quyết sự chênh lệch giữa thời gian tạo ra điện và lượng điện sử dụng, cho phép đưa thêm nhiều điện năng mặt trời và điện gió hơn vào hệ thống lưới điện quốc gia. Nó cũng có thể đi theo hướng giảm nhẹ lượng điện sử dụng, tức là dùng những cơ sở hạ tầng ít tốn kém để giải quyết các trường hợp tiêu thụ điện đặc biệt.

Úc hiện có cơ sở hạ tầng điện 11 tỷ USD phục vụ cho các sự kiện đỉnh cao thường chỉ diễn ra vài ngày mỗi năm.

Phó giáo sư Frank Bruno là Trưởng nhóm nghiên cứu tích trữ năng lượng nhiệt tại Viện Barbara Hardy, nơi tập trung các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới làm việc trong các nhóm đa ngành về các vấn đề của thế giới thực.

Các nhân tố khác lọt vào vòng trung kế giải ANSTO Eureka, hạng mục Sử dụng Công nghệ Sáng tạo bao gồm Giáo sư Martin Green (người thường được biết đến là “cha đẻ của pin quang điện”) và Tiến sỹ Mark Keevers của trường Đại học New South Wales, với ý tưởng một chùm ánh sáng duy nhất để tạo ra năng lượng từ hai loại pin mặt trời khác nhau.

Giáo sư Green đã từng được nhận giải thưởng Eureka CSIRO 2010 cho hạng mục Lãnh đạo Khoa học. Eureka là giải thưởng được Bảo tàng Úc trao hàng năm, tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong khoa học và truyền thông khoa học ở Úc.

Mai Linh (theo Energymatters)