Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:11 GMT+7
Sự thất thoát nhiệt và điện qua cửa số là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ dành cho hoạt động sưởi ấm, làm mát và chiếu sáng lên đến 40% tổng tiêu thụ năng lượng của các nước Châu Âu.
Tuy nhiên, hiện nay, chỉ khoảng 15% số cửa sổ trong các công trình xây dựng ở khu vực này đáp ứng được tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng. Chính vì vậy, Uỷ ban Năng lượng của Châu Âu đã quyết định triển khai dự án “Sản xuất năng lượng mặt trời với cửa sổ kính pô-ly-me đa năng” nhằm phát triển một loại vật liệu mới cho phép các nhà sản xuất tạo ra những tấm cửa sổ đa dụng, trọng lượng nhẹ và tiết kiệm năng lượng.
Với phương pháp tổng hợp 2 vật liệu thông dụng là kính và pô-ly-me, các nhà khoa học đã sáng chế ra một cấu trúc kính, polyme siêu nhẹ để lắp kính và khung cửa sổ với thiết kế đa dạng và linh hoạt.
Cấu trúc này cho phép một lượng lớn ánh sáng đi qua cửa kính. Trong khi đó, các tia hồng ngoại sẽ bị giữ lại và nhiệt năng của chúng sẽ được chuyển hoá thành năng lượng. Mặt khác, các tia tử ngoại có hại sẽ bị loại trừ ở mức tối đa. Nhờ vậy, hiệu quả ánh sáng tự nhiên trong phòng sẽ được cải thiện, hơn thế còn tạo thêm được điện năng và đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng. Ngoài ra, loại vật liệu thông minh này cũng được trang bị thêm tính năng điều chỉnh độ ẩm và cách âm cho căn phòng.
Trong quá trình nghiên cứu, để giảm trọng lượng của cửa sổ, các nhà khoa học đã thử nghiệm nhiều tổ hợp kính – polyme khác nhau để chọn ra công thức tối ưu. Kết quả, những tấm polyme tinh chế dạng kính sẽ được phủ thêm 2 mm thủy tinh, từ đó giúp giảm thiểu 25% trọng lượng của mỗi cửa sổ. Bên cạnh đó, poly-propylen sẽ được dùng làm vật liệu chế tạo khung cửa.
Xét tổng thể, những công nghệ vật liệu mới này đã góp phần nâng hiệu quả truyền sáng lên 95%, cải thiện độ bền của cửa sổ làm bằng kính và giúp người tiêu dùng tiết kiệm một khoản chi phí năng lượng đáng kể.
Anh Tuấn (Theo Europa)