Thứ tư, 06/11/2024 | 13:03 GMT+7
Một công ty của Tây Ban Nha vừa khánh thành một nhà máy mới tại Barajas de Melo. Nhà máy này có khả năng biến rác thải từ dầu công nghiệp và nhựa thành nhiên liệu diesel thông qua quá trình xử lý, khí hoá và chuyển đổi phân tử.
Với công nghệ mới có nguồn gốc từ Nhật Bản và được phát triển tại Tây Ban Nha này, nhà máy đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần sản lượng so với công suất thiết kế ngay trong năm tới, đưa công ty trở thành người tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ môi trường tại đất nước Nam Âu này.
Hệ thống này sẽ thúc đẩy một mô hình quản lý năng lượng mới dựa trên xử lý chất thải tại địa phương, từ đó tạo ra nhiều lợi ích trên cả hai khía cạnh môi trường và kinh tế.
Việc xử lý các loại rác thải khó phân huỷ đặc biệt là chất thải nhựa sẽ được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, tạo ra nguồn nhiên liệu diesel đáng kế để phục vụ nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông.
Giám đốc công ty này nhấn mạnh: “Đến nay, tái chế diesel từ dầu thải đã trở nên khá phổ biến, tuy nhiên, với công nghệ này, chúng tôi còn có thể sản xuất chúng từ chất thải công nghiệp và nhựa.”
Trong triển vọng trung và dài hạn, đây sẽ là cơ sở quan trọng để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ đang ngày càng trở nên khan hiếm.
Ngoài ra, công nghệ mới sẽ cho phép chuyển đổi cả cốc dầu mỏ, một sản phẩm mà hiện nay vẫn chưa thể tinh chế được.
Xét tổng thể, nhà máy mỗi năm sẽ sản xuất khoảng 30 nghìn tấn dầu nhiên liệu, tương đương với lượng tiêu thụ của 30 bệnh viện lớn tại thủ đô Madrid. Nhà máy này cũng sẽ tạo ra khoảng 90 việc làm, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp.
Trường Duy (Theo Energy News)