Thứ tư, 06/11/2024 | 14:31 GMT+7
Một công ty của Mỹ vừa cho ra đời 2 sản phẩm mới có khả năng tăng 20% hiệu quả sản xuất điện gió dựa trên nền tảng công nghệ hình ảnh ba chiều và kết nối internet.
Theo nhà sản xuất, bí quyết tạo ra nhiều điện năng hơn trong lĩnh vực phong điện không nằm ở thiết kế cánh quạt mà là khả năng kết nối giữa các tua-bin và kỹ thuật tạo ảnh ba chiều, thông qua các phần mềm internet công nghiệp và cảm biến.
Trước đây, công ty này cũng đã phát triển công nghệ PowerUp cho thiết kế cánh quạt hiệu quả, góp phần gia tăng 5% sản lượng điện gió. Song, đây vẫn chưa phải là giải pháp để tối ưu hoá tiềm năng sản xuất điện. Vì vậy, một phương pháp tiếp cận tổng thể mới đã ra đời với việc coi các trang trại gió như một hệ thống hoàn chỉnh, thay vì tập trung xử lý từng tua-bin riêng lẻ.
Sản phẩm thứ nhất là Digital Twin với tính năng thu thập dữ liệu về địa điểm sẽ xây dựng nhà máy điện gió mới, xây dựng mô hình, dự kiến vị trí lắp đặt, độ cao cần thiết của từng tua-bin, cũng như xác định tốc độ quay mà chúng có thể đạt được trong các điều kiện gió khác nhau.
Toàn bộ kết quả nêu trên sẽ được chuyển hoá thành một mô hình trang trại gió ba chiều trên máy tính, từ đó các kỹ sư có thể thẩm định lại mô hình một cách trực quan và dễ dàng. Đồng thời, xác định những vấn đề còn tồn tại mà máy tính không thể xử lý được.
Sản phẩm thứ hai là bộ cảm biến đặc biệt được tích hợp ở từng tua-bin riêng lẻ. Trước đây, các tua-bin sẽ hoạt động một cách độc lập. Do đó, rất dễ xảy ra trường hợp hoạt động quay của tua-bin này sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của một tua-bin khác, khiến hiệu quả sản xuất năng lượng không đạt mức tối ưu như trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.
Giờ đây, với sản phẩm này, dữ liệu về tốc độ gió và hoạt động của các tua-bin sẽ được trao đổi thông qua các cảm biến. Từ đó, chúng sẽ tự động điều chỉnh hoạt động của tất cả các tua-bin trong trang trại sao cho phù hợp nhất, giống như hoạt động của các thành viên của một đội bóng.
Việc kết hợp đồng thời 2 sản phẩm nêu trên trong một trang trại điện gió sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất năng lượng của các tua-bin lên 70% công suất lắp đặt và đạt 80% sản lượng điện tối đa nếu không tính đến sự hao mòn máy móc. Nhà sản xuất dự kiến sẽ đưa 2 công nghệ này ra thị trường vào cuối năm 2015.
Anh Tuấn (Theo Fortune)