Thứ tư, 06/11/2024 | 12:56 GMT+7
Lốp non là hiện tượng thường xảy ra đối với ô-tô, xe máy hay nhiều phương tiên giao thông khác. Điều này không chỉ gây mất an toàn trong việc điều khiển xe, mà còn tiêu tốn không ít năng lượng.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, một công ty sản xuất lốp đã được Văn phòng Tiết kiệm năng lượng và Năng lượng tái tạo của Mỹ phát triển một hệ thống lốp tự bơm mới với tên gọi “Air Maintenance Technology” (AMT).
Hệ thống này hoạt động với cơ chế tương tự như việc đẩy thức ăn trong đường tiêu hoá của con người. Khi cảm biến bên trong lốp xe phát hiện sự sụt giảm áp suất, van sẽ tự động mở ra để đưa không khí vào thông qua một ống nhỏ gắn bên trong lốp.
Khi lốp xe di chuyển về phía trước, trọng lượng của chiếc xe đẩy không khí đi qua ống, giúp lốp xe khôi phục lại áp suất tối ưu. Sau đó, van sẽ tự động đóng lại. Toàn bộ quá trình này được diễn ra tự động, nhanh chóng và không cần bất kỳ sự tác động nào của người lái xe.
Việc duy trì áp suất tối ưu cho lốp xe là phương thức quan trọng hàng đầu để giúp xe hoạt động hiệu quả và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đây là cách ít tốn kém nhất để tiết kiệm nhiên liệu cho xe. Bởi, việc khởi động để lăn bánh xe tiêu tốn hơn 10% năng lượng của một chiếc xe.
Với hệ thống AMT, lốp xe sẽ luôn được duy trì ở trạng thái áp suất tốt nhất, giúp vượt qua lực cản ban đầu một cách dễ dàng và tiết kiệm 3% tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, tuổi thọ lốp cũng sẽ được kéo dài hơn trước.
Hiện nay, loại lốp sử dụng công nghệ AMT đã bắt đầu được ứng dụng trong các đội vận tải đường bộ tại Mỹ. Tuy nhiên, có khoảng 50% lượng xe tải không đạt áp suất lốp tiêu chuẩn. Số liệu này mở ra tiềm năng rất lớn cho công nghệ tự bơm lốp nêu trên.
Nếu được triển khai rộng khắp, hệ thống AMT sẽ giúp nước Mỹ tiết kiệm 1,2 tỷ galon dầu, đồng thời giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường.
Anh Tuấn (Theo Energy.gov)