Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:12 GMT+7

TP HCM tìm công nghệ biến rác thành năng lượng

16/05/2015

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng tốt công nghệ tái chế rác thải, các mô hình thu hồi khí sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính lên tới 0,68 tấn CO2/tấn rác.

Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất những giải pháp, công nghệ có tính khả thi để tận dụng nguồn năng lượng to lớn từ rác thải cũng như xử lý rác thải đô thị. 

Hội thảo có sự góp mặt của đại diện Bộ Công thương, Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, đại diện các sở, ban, ngành và các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường, viện… thuộc lĩnh vực xử lý rác thải tại TP. HCM.

Hiện nay, với dân số hơn 9 triệu dân, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TP. HCM ước tính khoảng 7.500 – 8.000 tấn/ngày. Hầu hết khối lượng rác thải này, bao gồm cả chất thải nguy hại, đều được xử lý bằng cách chôn lấp gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm mùi và thải ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Để giải quyết vấn đề đó, những năm gần đây, Thành phố đã đầu tư nhiều giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, do quỹ đất tại TP. HCM ngày càng thu hẹp và lượng rác thải lại ngày càng tăng, ước tính khoảng 7-8%/năm, nên Thành phố vẫn không ngừng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn. 

Hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” được tổ chức nhằm tham khảo những chính sách, công nghệ, giải pháp đầu tư  hiệu quả cũng như ý kiến của các chuyên gia để tư vấn cho lãnh đạo Thành phố lựa chọn phương án đầu tư cũng như công nghệ tối ưu nhất phù hợp với hiện trạng của Thành phố.

Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện… 

Hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” cũng đã giới thiệu các công nghệ xử lý rác hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… với các ưu, nhược điểm riêng để TP. HCM lựa chọn áp dụng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng tốt công nghệ tái chế rác thải, các mô hình thu hồi khí sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính lên tới 0,68 tấn CO2/tấn rác. Đặc biệt, nếu tái sử dụng nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch thì con số này sẽ là một đóng góp đáng kể cho ngành năng lượng. 

Bảo Anh